Hội Chứng Đột Tử Ở Trẻ Sơ Sinh Và Cho Con Ngủ Chung Giường - Milena.vn

Hội Chứng Đột Tử Ở Trẻ Sơ Sinh Và Cho Con Ngủ Chung Giường

Tháng 10 được xem là tháng Nhận thức về Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) SIDS là viết tắt của Sudden infant death syndrome. Có lẽ mẹ mang bầu và mẹ có con nhỏ đã đọc rất nhiều về vấn đề này. Nhưng ngoài cảm giác hoang mang lo lắng, liệu các mẹ có hiểu đúng về nguy cơ nguy hiểm này không? Đặc biệt đối với bé bú sữa mẹ và mẹ lo lắng có nên cho con ngủ chung giường.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) là gì?

Hoi-chung-dot-tu-o-tre-so-sinh-2
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) và việc cho con ngủ chung giường

SIDS là chứng đột tử ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, chưa tìm ra được nguyên nhân. Hội chứng này hoàn toàn khác với các tai nạn ngạt thở do gối, chăn mềm hay do ai đè lên (Accidental Suffocation and Strangulation in Bed (ASSB).

Tuy nhiên, ở nhiều nước, cộng đồng y tế đã gộp chung SIDS cùng với ASSB. Để rồi dần dần các bác sĩ khuyến cáo các mẹ không nên ngủ cùng giường với con bất cứ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lời khuyên này là hoang đường, ít nhất là đối với các bà mẹ đang cho con bú.

Mối liên hệ giữa việc cho con bú và đột tử ở trẻ sơ sinh là gì?

Thông tin liên quan đến sức khỏe nuôi con bằng sữa mẹ của Học viện Y học quốc tế đa ngành về cho con bú (ABM), vào năm 2019, ABM đã viết:

“Hiện không có bằng chứng kết luận việc ngủ chung giường ở bé đang bú mẹ… gây ra chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)…”

Nói cách khác, nếu mẹ đang cho con bú, bé sẽ không tự động có nguy cơ bị SIDS khi ngủ chung giường cùng mẹ.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) vẫn không khuyên việc mẹ và bé nằm chung giường như khuyến cáo của ABM. Tuy nhiên AAP trong khuyến cáo năm 2011 và được lặp lại vào năm 2015, đã thừa nhận rằng mẹ đang cho con bú có thể bồng con vào giường để cho bú. Ở đây phải giải thích cho các mẹ một chút vì ở Mỹ, tỷ lệ mẹ ngủ gật khi cho con bú ở ghế và để rơi con hay ngủ say đè con chiếm con số không nhỏ. Vì vậy AAP muốn các mẹ cho con bú trên giường và sau đó bồng con vào chỗ khác ngủ riêng.

Khi nào mẹ thật sự không nên ngủ chung giường với con?

co-nen-cho-con-ngu-chung-giuong-3
Cho con ngủ chung giường có phải là nguyên nhân sửa SIDS?

Nguy cơ chứng đột tử ở trẻ sơ sinh của bé bú sữa mẹ sẽ liên quan đến môi trường ngủ của bé. Nếu mẹ nghĩ sẽ ngủ chung với con, thì dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ SIDS và ASSB ở TRẺ SƠ SINH để mẹ cân nhắc:

– Ngủ cùng mẹ trên ghế sofa hoặc ghế

– Ngủ trên giường với rất nhiều ra trải giường mềm, chăn, thú nhồi bông…

– Ngủ với người có sử dụng chất cồn / ma túy

– Ngủ với người lớn hút thuốc

– Ngủ nằm sấp

– Không bao giờ được bú sữa mẹ

– Sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh

Mẹ có thể giảm nguy cơ bằng cách bỏ các chăn mền, đồ chơi… mềm ra khỏi giường khi ngủ tránh ngủ trên ghế. Yêu cầu người ngủ chung ngừng hút thuốc, tránh sử dụng rượu bia hay chất gây nghiện. Cho con bú sữa mẹ và luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ…

Lợi ích việc cho con ngủ chung giường với bố mẹ là gì?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ chung giường có lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, ít nhất là khi cho con bú mẹ hoàn toàn.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ James McKenna, Nghiên cứu về Giấc ngủ Hành vi Mẹ-Bé của trường Notre Dame. Ông cũng là đồng tác giả về quyển sách hướng dẫn Ngủ chung của ABM. Việc cho con ngủ chung giường không có yếu tố tăng nguy cơ SIDS. Nó giúp bé bú mẹ tối ưu (bé chỉ bú mẹ và thời gian bú dài hơn). Và nó tăng sự gắn kết của bé và cả sự phát triển của não.

Nên làm gì đối với mẹ cho con bú không muốn ngủ chung?

Bản thân mình chỉ thực sự ngủ chung giường với con trong vài tuần đầu. Vì khi ngủ chung, cả hai mẹ con đều không ngủ ngon. Trong đêm mình cựa quậy là bé thức, bé quấy rồi mẹ cũng không ngủ được. Hai mẹ con cứ đêm đến nằm cạnh nhau là y như rằng cả nhà không ngủ ngon. Nên mình rất hiểu cảm giác của các mẹ không muốn ngủ chung giường với con.

Bài viết này không phải kêu gọi các mẹ nên ngủ đêm cùng giường với con. Các mẹ nên tìm hiểu mình có thuộc nhóm tăng nguy cơ SIDS hoặc ASSB không. Nếu mẹ hay ba bé đều là người ngủ rất say, kiểu thuộc người ngủ không biết gì, thì mẹ cũng nên cân nhắc.

Có lựa chọn nào khác khi con không ngủ chung giường?

co-nen-cho-con-ngu-chung-giuong-1
Nên cho trẻ ngủ chung phòng với bố mẹ trong tối thiểu 6 tháng đến 1 năm

Vì bất kỳ một lý do nào đó, mẹ không ngủ chung giường với con? Mẹ vẫn có lựa chọn khác đó là ngủ chung phòng với con, đặc biệt là TRẺ SƠ SINH.

AAP và ABM đều thống nhất quan điểm trẻ sơ sinh ngủ chung phòng với ba mẹ. Với việc bé nằm trong cũi riêng nên diễn ra trong vòng 6 tháng đầu hoặc năm đầu đời.

Mong rằng bài viết này sẽ giúp các mẹ bầu và mẹ vừa sinh bé có được sự lựa chọn cho riêng gia đình mình. Và mong các mẹ hiểu rõ hơn về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Và cũng để tự tin hơn khi có ai khuyên về việc nên cho trẻ sơ sinh ngủ riêng từ nhỏ do nguy cơ này kia mẹ nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.