ÁP DỤNG KỶ LUẬT BÀN ĂN LÀ RÈN CON VÀO QUÂN ĐỘI? - Milena.vn

ÁP DỤNG KỶ LUẬT BÀN ĂN LÀ RÈN CON VÀO QUÂN ĐỘI?

Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, ba mẹ cần có những quy tắc trong bàn ăn để tạo thói quen ăn uống khoa học cho bé ngay từ đầu. Nếu thói quen đó được duy trì thường xuyên sẽ giúp bé có ý thức ăn uống lành mạnh hơn về sau. Tuy nhiên, hầu hết có những giai đoạn ba mẹ sẽ nản chí nếu bé cứ bày bữa thức ăn, xao nhãng do ảnh hưởng từ môi trường xung quanh như tiếng tivi ồn ào, đồ chơi nằm trên sàn,… Đã đến lúc ba mẹ áp dụng quy tắc, kỷ luật bàn ăn để tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho bé chứ không phải là rèn con vào quân đội như nhiều ba mẹ lầm tưởng nhé!

PHẦN 1. QUY TẮC BÀN ĂN

1. Quy trình mỗi bữa ăn của bé

  • Trước khi ăn: Khi gần tới giờ ăn, mẹ hãy thông báo cho con “5 phút nữa là đến giờ ăn con nhé!” hoặc chuẩn bị đồng hồ có chuông hẹn giờ và cho bé thấy sắp đến giờ ăn rồi. Mẹ cùng bé thu dọn đồ chơi, rửa tay bé sạch sẽ, ngồi vào ghế, thắt dây an toàn và đeo yếm ăn dặm cho bé.
  • Bắt đầu ăn: đối với bé ăn BLW: mời bé ăn từng loại thức ăn, chỉ đặt duy nhất 1 miếng thức ăn lên bàn, bạn cần dọn sạch trên bàn rồi mời bé miếng tiếp theo (mời rau củ trước rồi đến thịt, cá, tinh bột, trái cây,..). Đối với bé ăn đút, bạn cần đưa muỗng thức ăn đến gần miệng hoặc chạm vào môi bé, chờ bé chủ động há miệng để ăn.
  • Sau khi ăn xong: Nếu con ăn xong rồi và không muốn ăn nữa thì cho bé ra khỏi bàn ăn, vệ sinh miệng, mặt và tay cho bé. Trước khi cho bé ra bạn cần thông báo cho bé ví dụ như: “Con ăn xong rồi, mẹ cho con ra nhé?”. Sau đó con sẽ được đọc sách và làm trình tự đi ngủ ở môi trường tĩnh. Nếu bé ăn ngoan thì việc đọc sách và hoạt động tĩnh giúp thức ăn được tiêu hóa và chuẩn bị vào giấc ngủ. Nếu bé không hợp tác thì ngừng bữa không phải là để chơi mà là để con vào giường ngủ, việc này giảm thiểu sự phá phách, đòi rời khỏi bàn để đi chơi khi bữa ăn chưa kết thúc. Lúc này việc không để đồ chơi vương vãi sẽ phát huy tác dụng vì đồ chơi được để trong sọt, con không được chơi và phải vào giường để ngủ.

Xem thêm: So Sánh Các Phương Pháp Ăn Dặm BLW, Kiểu Nhật, Truyền Thống

áp dụng quy trình trong kỷ luật bàn ăn

2. Ghế ăn dặm trong kỷ luật bàn ăn

Đây là một trong những quy tắc bàn ăn quan trọng mà ba mẹ cần áp dụng ngay khi cho bé ăn dặm. Với quy tắc này con sẽ được rèn luyện được thói quen ngồi nghiêm chỉnh và không chạy chơi  khi đến bữa ăn. Đồng thời, việc ngồi ăn trên ghế giúp bé tập trung hơn vào việc ăn nên sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hoá của bé.

3. Không ép bé ăn

Kỷ luật bàn ăn không phải là bắt con ăn lượng thức ăn như mong muốn của ba mẹ. Mỗi em bé là một cá thể riêng biệt nên nhu cầu ăn uống của con cũng khác nhau. Ba mẹ hãy là người cung cấp thức ăn và việc con ăn bao nhiêu hãy để con tự quyết định. Việc thường xuyên so sánh với các bé khác sẽ làm ba mẹ cảm thấy áp lực nên thường có xu hướng ép bé ăn, lâu dần dẫn đến con bị biếng ăn tâm lý, sợ hãi khi ăn.

4. Không thiết bị điện tử trong kỷ luật bàn ăn

Khi ba mẹ cho bé xem tivi hoặc các thiết bị điện tử khác thì bé chỉ chú ý đến tivi và đồ chơi mà quên đi việc mình đang ăn gì và ăn bao nhiêu. Việc ăn thụ động này khiến bé khó hấp thu hoặc bị béo phì. Ngoài ra, việc cho bé xem tivi trước 3 tuổi sẽ hạn chế sự phát triển não bộ.

5. Một bữa ăn gói gọn 30 phút

Kể cả khi không có các thiết bị điện tử thì con cũng rất khó tập trung và ngồi yên trong một thời gian dài. Do đó, bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài 20 – 30 phút. Sau thời gian này bạn cần cho bé kết thúc bữa ăn và khi đã ra khỏi bàn thì bé sẽ không được ăn thêm bất kì thức ăn gì nữa. 

6. Không cho bé đi ăn rong là điều tiên quyết kỷ luật bàn ăn thành công

Vì muốn bé ăn được nhiều hơn mà một số ba mẹ hoặc ông bà cho bé ăn rong, làm mọi cách để bé bị phân tán sự chú ý và “lừa” đút ăn cho bé. Kết quả là bé ăn 1 cách thụ động, bé không biết mình đang ăn gì và ăn không phải vì ngon miệng, do đó các men tiêu hoá trong cơ thể cũng không được tiết ra khiến bé khó hấp thu.

Đồng thời, thức ăn mang đi khắp nơi như vậy cũng không đảm bảo vệ sinh. Thêm nữa việc đi ăn rong thường xuyên sẽ tạo thói quen không đi rong bé không chịu ăn, nên nếu bé ốm hoặc thời tiết xấu hoặc gia đình bận rộn không cho bé đi ăn rong được là bé bỏ ăn luôn.

7. Không cho bé ăn những bữa quá dày hoặc ăn vặt

Để áp dụng tốt kỷ luật bàn ăn, Ba mẹ cần thiết lập cho bé một nếp sinh hoạt phù hợp để các bữa ăn dặm của bé được cách giãn và bé có cơ hội được đói. Lúc đó bé sẽ cảm thấy vui vẻ và ăn ngon miệng hơn. 

Thông thường khi thiết lập lịch sinh hoạt cho bé, ba mẹ hãy thiết kế các bữa chính nên cách nhau khoảng 4 tiếng, bữa phụ có thể có hoặc không tùy theo nhu cầu của bé.

Nếu ba mẹ cho bé ăn các đồ ăn vặt như bánh ngọt, đồ uống có đường hoặc có gas… quá gần bữa chính sẽ khiến bé bị no nên không muốn ăn. Đa số các món ăn vặt đều có giá trị dinh dưỡng rất thấp.

8. Ăn cùng nhau

Để áp dụng kỷ luật bàn ăn và giúp con có động lực khi ăn thì ba mẹ có thể ăn cùng lúc với bé. Thực đơn của bé có thể giống với cả nhà nhưng bạn nhớ đừng nêm gia vị cho bé nhé.

Ăn cùng nhau tạo không gian thoải mái áp dụng KLBA

9. Món ăn hấp dẫn

Bé cũng như người lớn, nếu cứ ăn đi ăn lại 1 món thì sẽ rất chán, vì thế dù lượng ăn của bé ít, bạn cũng nên thay đổi các món thường xuyên, trang trí món ăn thật hấp dẫn và bắt mắt. Điều này cũng giúp bé có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn, không ngại thử những món mới và giúp con có niềm vui trong ăn uống.

món ăn ngon giúp áp dụng kỷ luật bàn ăn dễ dàng hơn

10. Khen ngợi con là nghệ thuật trong kỷ luật bàn ăn

Kỷ luật bàn ăn đôi khi sẽ mang đến những trải nghiệm không mấy dễ chịu đối với mẹ và bé. Mẹ cần chú ý đến những tiến bộ dù là nhỏ nhất và dành cho con những lời khen vì con thích được mọi người quan tâm đặc biệt là người thân. Sự quan tâm của ba mẹ ngoài việc khuyến khích con thực hiện tốt các quy tắc trên bàn ăn còn góp phần xây dựng nền tảng kỹ năng xã hội sau này.  

khen ngợi con là nghệ thuật trong kỷ luật bàn ăn

Xem thêm: Hành Trình Ăn Dặm Của Con Và 3 Bộ Kiến Thức Mẹ Cần Biết

PHẦN 2. KỶ LUẬT BÀN ĂN (KLBA)

1. Khi nào cần áp dụng kỷ luật bàn ăn?

  • Khi ăn bé không chịu ngồi im, thường đứng lên trên ghế, cho chân lên bàn hoặc đòi trèo ra khỏi ghế
  • Bé không tập trung khi ăn mà nghịch phá đồ ăn và đặc biệt có các hành động như hất, ném thức ăn, phun hoặc làm đổ nước…
  • Bé chỉ thích ăn một nhóm thực phẩm nào đó, với các nhóm thực phẩm khác bé không ăn.
  • Bé chỉ ăn khi được ra ngoài, thích vừa chơi vừa ăn
  • Trường hợp ngoại lệ nếu bé muốn rời bàn ăn trước khi có hành vi xấu, lúc này dù bữa ăn chưa kết thúc nhưng mẹ cần hỏi ý kiến con và cho bé ra khỏi ghế.

2. Quy tắc ba cơ hội trong kỷ luật bàn ăn

Khi cho bé ăn, ba mẹ đã mời 3 lần nhưng bé vẫn không ăn thì ngừng bữa. Lúc này ba mẹ không nên ép bé ăn nữa dù bằng bất cứ cách nào. Vì như vậy bé sẽ dần bị biếng ăn, tâm lý sợ ăn sẽ càng tăng. Và ba mẹ cũng không cho bé ăn vặt, cho đến bữa ăn tiếp theo. 

Trong trường hợp lúc ăn bé thường nghịch giỡn thì ba mẹ nên nhìn vào mắt của bé sau đó nói nhẹ nhàng để bé hiểu bé làm vậy là không đúng. Ba mẹ chỉ cần nói rằng nếu bé ném và phá đồ ăn, không ăn thì bé sẽ bị đói. Tiếp theo ba mẹ hãy thử mời bé ăn tiếp.

Nếu tình trạng nghịch phá đồ ăn tiếp diễn, ba mẹ mời bé ra khỏi ghế và tạm dừng ăn. Ba mẹ cho bé đứng/ngồi ở một nơi yên tĩnh, không có đồ chơi xung quanh, không đùa giỡn với bé. Việc làm này ngầm giúp bé nhận thức được rằng giờ ăn là để ăn chứ không phải để chơi. Sau 5-10 phút, ba mẹ mời bé vào ghế ăn lần 2 và lặp lại như lần 1. Sau 3 cơ hội  nếu bé vẫn không hợp tác ba mẹ hãy kết thúc bữa ăn của bé. 

Sau khi đã kết thúc bữa ăn, nếu bé đòi ăn tiếp ba mẹ cũng không cho, lúc này ba mẹ hãy nhẹ nhàng và dứt khoát giải thích cho bé: “Ba/mẹ đã cho con 3 cơ hội nhưng con lại không ăn, vì thế con phải chờ đến bữa ăn tiếp theo nhé!”. Con càng lớn thì cơ hội sẽ càng giảm dần còn 2 cơ hội và 1 cơ hội.

Mỗi món con chỉ cần thử 1 ít là được, con có thể không thích một món nào đó nhưng nhất định phải thử ít nhất 1 miếng trước khi từ chối món này.

Lưu ý: nếu bé có biểu hiện mệt lã người thì mẹ nên dừng áp dụng kỷ luật bàn ăn, giữa các bữa ăn mẹ không nên cho ăn vặt mà bé chỉ được uống nước lọc, khoảng cách bữa ăn cần hợp lý, không cho ăn quá dày để đảm bảo kỷ luật bàn ăn có hiệu quả khi áp dụng.

3. Trường hợp nào không cần áp dụng kỷ luật bàn ăn

  • Trường hợp nhai nhả là giai đoạn phát triển tự nhiên của bé, không liên quan nhiều đến hành vi xấu trên bàn ăn nên ba mẹ có thể “nhắm mắt cho qua”.
  • Trường hợp bé ăn lệch một nhóm thực phẩm nhưng không phải từ chối tất cả các loại thức ăn trong nhóm đó. Ví dụ bé không ăn cơm thì có thể cho bé ăn nui, bún, khoai lang,… (tinh bột thay thế cơm), bé không ăn rau thì mẹ có thể trộn rau vào thịt, cơm, trứng để nướng/chiên, làm bánh, cơm chiên,… hoặc khi con lớn, có thể hiểu được điều ba mẹ nói thì có thể tâm sự với con về việc ăn rau tốt cho sức khỏe, đọc truyện về rau củ, cho con nhặt rau khi nấu ăn. Đôi khi có thể cho con trải nghiệm việc không ăn rau, con bị táo bón và đi ngoài rất đau, khi đó ba mẹ sẽ giải thích cho con về lợi ích của việc ăn rau, lâu dần bé sẽ hiểu và có thể thích ăn rau hơn.
  • Khủng hoảng, biếng ăn sinh lý thì kể cả những bé ham ăn cũng có những lúc không muốn ăn. Đây là giai đoạn mà ý muốn và và kĩ năng vận động tinh của con chưa có sự đồng điệu, khi các giác quan của con bị quá tải trong quá trình lớn lên và tăng trưởng nhận thức. Con hay quấy khóc, thử thách sự kiên nhẫn của ba mẹ và cuối cùng là biếng ăn sinh lý. Mẹ hãy thông cảm cho con và có cách hành xử hợp lý trong những giai đoạn này nhé.
  • Ba mẹ cũng không nên áp dụng khi bé đang ốm hoặc đang trong thời kỳ mọc răng. 
  • Đối với các bé đang trong giai đoạn tập kỹ năng ba mẹ vẫn phải để cho bé thoải mái hơn một chút trong việc tập cầm, nắm và có thể rơi vãi thức ăn,…

Xem thêm: Toàn tập về túi nhai ăn dặm

trường hợp không cần áp dụng kỷ luật bàn ăn

Hãy nhớ rằng để áp dụng thành công kỷ luật bàn ăn với bé,  ba mẹ cần phải thật quyết tâm và kiên nhẫn với con. Ba mẹ cần hiểu rằng đây là một phương pháp khoa học có thể giúp bé tạo lập thói quen ăn uống lành mạnh và định hình hành vi, nhận thức của bé tốt hơn. Nếu áp dụng thành công, con vừa ăn giỏi mà ba mẹ cũng đỡ vất vả hơn về sau trong chuyện ăn uống của con. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.