So Sánh Các Phương Pháp Ăn Dặm BLW, Kiểu Nhật, Truyền Thống

Khi con bạn được 5,5 – 6 tháng tuổi, chào mừng bạn đã bước vào giai đoạn ăn dặm của con. Vậy các mẹ đã xác định được nên cho bé ăn dặm theo cách nào chưa? Các phương pháp ăn dặm có những ưu điểm và nhược điểm gì? 
Ở giai đoạn này, ngoài nguồn dinh dưỡng chính là sữa, bé sẽ cần được bổ sung thêm các loại thực phẩm khác để làm quen dần cho đến khi 1 – 2 tuổi thì có thể con sẽ ăn được hầu hết các loại thực phẩm như người lớn. Giai đoạn ăn dặm này cần được thực hiện một cách khoa học và cần có những phương pháp ăn dặm phù hợp với con.
Vì thế, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm của mình về các phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay thông qua bài viết sau đây nhé. 
so sánh các phương pháp ăn dặm

PHẦN 1. PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM TRUYỀN THỐNG

1. Khái niệm phương pháp ăn dặm truyền thống

Phương pháp ăn dặm truyền thống đã có từ rất lâu đời và được nhiều ba mẹ áp dụng cho bé khi bắt đầu ăn dặm. Thức ăn ban đầu của bé sẽ là bột hoặc cháo xay nhuyễn chung với các loại thực phẩm khác (rau củ, cá, thịt…). Sau đó sẽ chuyển dần sang cháo nguyên hạt và cuối cùng là cho bé ăn cơm như người lớn.

2. Ưu điểm 

– Ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là có thể giúp các mẹ tiết kiệm thời gian vì chế biến thức ăn đơn giản, không cần tốn quá nhiều thời gian để sơ chế và nấu ăn cho bé.
– Vì là phương pháp truyền thống nên được nhiều gia đình ủng hộ
– Bé dễ tăng cân hơn do ăn được số lượng nhiều
– Giảm bớt sự lo lắng của mẹ về hóc ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu trẻ tập ăn dặm. 
– Bảo quản thức ăn đơn giản, nhanh chóng

3. Nhược điểm 

– Hạn chế của phương pháp ăn này là bé ăn thức ăn nhuyễn nhiều sẽ làm chậm khả năng ăn thô. Nhiều trẻ trên 2 tuổi nhưng vẫn phải ăn cháo. Và có đôi khi người chăm sóc bé thường sẽ nhai nhuyễn cơm rồi đút cho bé. Việc làm này có thể lây nhiễm những vi khuẩn có hại cho bé.
– Việc chế biến chung nhiều loại thức ăn với nhau khiến con khó cảm nhận được mùi vị riêng của từng loại. Và như thế con sẽ không có sự hứng thú trong ăn uống từ đó bé dễ bị biếng ăn và kén ăn sau này. 
– Ngoài ra việc ăn chung nhiều loại thực phẩm với nhau sẽ khiến mẹ khó phát hiện ra con bị dị ứng với loại thức ăn nào.
– Tốn khá nhiều thời gian để phân loại và bảo quản thức ăn

PHẦN 2. PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM KIỂU NHẬT

1. Khái niệm phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là sự kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo nên thực đơn ăn dặm đa dạng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. 
Trong quá trình chế biến thức ăn, bạn sẽ không cần dùng đến cối xay mà sẽ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn. Các thức ăn này sẽ không bị trộn lẫn vào nhau mà được chế biến riêng giúp bé dễ nuốt và cảm nhận được đầy đủ hương vị, tính chất của mỗi món ăn.
Ở những tuần đầu khi mới cho bé ăn dặm, bạn nên cho bé ăn cháo loãng được rây mịn. Việc này giúp bé làm quen với việc nuốt thức ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sau một thời gian bạn cần cho bé ăn cháo đặc hơn có kèm rau củ nghiền mịn. Giai đoạn tiếp theo nữa, bé sẽ ăn cơm nấu bằng gạo vỡ từ loãng đến đặc kèm với cá, thịt, rau củ… xé nhỏ.

2. Ưu điểm 

– Ưu điểm của phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật là giúp trẻ có khả năng tập ăn thô sớm hơn.
– Khi con được làm quen với từng hương vị của mỗi món ăn sẽ giúp kích thích vị giác của bé cũng nhưng hạn chế được tình trạng biếng ăn hoặc kén ăn. 
– Vì phương pháp này còn cho bé ăn nhạt nên giúp cho thận không phải làm việc quá tải. 
– Bên cạnh đó, khi ăn bé sẽ có tâm lý thoải mái ăn uống, không áp lực nên có thể ăn được nhiều hơn.
– Dễ tìm ra thức ăn bị dị ứng do thức ăn được tách riêng

3. Nhược điểm

– Nhược điểm của phương pháp ăn dặm theo Nhật là cha mẹ sẽ mất nhiều thời gian để chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé. Do vậy, phương pháp này không thích hợp với những cha mẹ bận rộn do phương pháp này yêu cầu thời gian nhiều, tỉ mỉ trong việc chế biến đồ ăn cho bé. 
– Mẹ phải tốn nhiều thời gian hơn để tập muỗng, nĩa cho con.

PHẦN 3. PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM BÉ CHỈ HUY (BLW)

1. Khái niệm

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) là phương pháp cho bé ăn dặm đang được rất nhiều mẹ Việt áp dụng cho con. Với phương pháp ăn dặm này, các mẹ thường không xay nhuyễn thức ăn và không đút thìa mà cho bé tự ăn thô ngay từ đầu. Mẹ có thể ngồi quan sát con đưa thức ăn vào miệng, không cần hỗ trợ gì hoặc chỉ hỗ trợ một phần rồi hỗ trợ giảm dần. Thức ăn ban đầu được chế biến thường là rau củ hấp hoặc luộc cắt thanh dài, răng cưa, dài cỡ 1 ngón tay và rộng cỡ 1,5 ngón tay để bé dễ cầm, nắm. Sau đó bé sẽ chuyển sang giai đoạn bốc nhón rồi đến giai đoạn tập muỗng, nĩa thì mẹ cần chế biến thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của con.

2. Ưu điểm

– Bé phát triển được kỹ năng nhai và chủ động kiểm soát thức ăn nhờ đó bé được tự do khám phá các mùi vị mình thích.
– Giúp bé tự lập trong ăn uống và sẽ tạo nên hứng khởi trong các bữa ăn.
– Dễ tìm ra thức ăn bị dị ứng do thức ăn được tách riêng
– Bảo quản thức ăn đơn giản, nhanh chóng

3. Nhược điểm

– Bé tự ăn nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể không được kiểm soát, dễ bị sụt cân hoặc chững cân.
– Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy vẫn còn mới và với một số người nghĩ rằng ăn thô sớm sẽ làm tăng khả năng hóc cho bé hơn nên phương pháp này vẫn chưa được chấp nhận, gây mâu thuẫn trong gia đình.
– Bé ăn hay bày bừa, vương vãi khắp nơi nên đối với một số mẹ yêu thích sự gọn gàng thì sẽ cảm thấy khó chịu vì tốn nhiều thời gian dọn dẹp sau khi bé ăn xong.

PHẦN 4. KẾT HỢP CÁC PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM 

Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu, nhược điểm riêng và chắc chắn là không có phương pháp nào hoàn hảo nhất. Vì vậy, cha mẹ cần dựa vào các yếu tố về thời gian và khả năng chăm sóc để chọn phương pháp ăn dặm cho bé phù hợp nhất. Vậy thì liệu mẹ có thể cho bé ăn dặm kết hợp giữa ăn đút (ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật) với ăn dặm bé chỉ huy (BLW) được không? Câu trả lời là mẹ hoàn toàn có thể kết hợp các phương pháp ăn dặm này, vừa đảm bảo bé hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng vừa giúp bé không bị biếng ăn sau này.

1. Ưu điểm

– Phương pháp ăn dặm truyền thống hay ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé, còn đối với phương pháp bé tự chỉ huy (BLW) tạo cho con tính tự lập. Bé ăn dặm kiểu BLW có thể tự quyết định mình sẽ ăn những gì. Từ đó có thể hình thành sự chủ động, tự giác cho bé ngay từ khi còn nhỏ.
– Việc kết hợp 2 phương pháp sẽ khiến bé không bị biếng ăn và bị thiếu chất. Ngoài ra, bé sẽ không thấy nhàm chán mỗi khi ăn. Các mẹ có thể nhờ ông bà cho ăn vào buổi sáng, trưa và mình thì cho bé ăn BLW vào buổi tối. Cách sắp xếp lịch ăn như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian nhưng bé vẫn được ăn uống đầy đủ.

2. Nhược điểm

– Khi kết hợp hai phương pháp ăn dặm trên, khi mới bắt đầu ăn dặm nếu mẹ không tách riêng biệt 2 bữa ăn BLW và bữa ăn đút thì điều này sẽ khiến bé không phân biệt được giữa 2 bữa ăn khác nhau.
– Lịch ăn không được sắp xếp khoa học cũng làm bé bị nhầm lẫn giữa các phương pháp ăn dặm.
– Ngoài ra, việc mẹ cho bé ăn đút và ăn dặm BLW trong cùng một bữa ăn có thể gặp những trở ngại sau đây:
★ Bé sẽ bị rối vì vừa được đút, vừa cầm đồ ăn  nên sẽ không biết ăn như thế nào mới đúng.
★ Các mẹ thường có tâm lý là mong muốn con ăn được nhiều hơn so với khả năng của con nên khi cho bé ăn mẹ dành nhiều thời gian đút cho con, con có quá ít thời gian khám phá với thức ăn. Trường hợp con thích tự xử lý thức ăn hơn được mẹ đút thì con sẽ phản kháng và có thể khiến mẹ muốn ép con ăn hơn.
★ Mẹ vừa đút cho con ăn vừa cho con nghịch đồ ăn có thể khiến con nghĩ rằng thức ăn là đồ chơi nên sẽ không tập trung tìm cách xử lý thức ăn. Việc đó gọi là ăn thụ động giống như việc cho con xem các thiết bị điện tử trong khi ăn và sẽ hình thành nên thói quen vừa ăn vừa chơi của bé sau này.
Ngoài ra thêm một gợi ý nữa để khắc phục nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống đó là: 
– Để trẻ có thể trải nghiệm các loại thực phẩm khác nhau, mẹ có thể sử dụng túi nhai ăn dặm chống hóc. Với túi nhai này, mỗi lần cho bé ăn, mẹ có thể cho từng loại thức ăn riêng biệt vào núm để con có thể cảm nhận vị của từng loại thức ăn. 
phương pháp ăn dặm
– Một số loại núm nhai cho bé ăn dặm uy tín còn có nhiều size núm nhai với kích thước các lỗ thay đổi theo từng lứa tuổi giúp bé trải nghiệm tốt hơn. Hơn nữa một số loại có hình dạng và màu sắc dựa trên nghiên cứu, giúp bé cũng thích thú hơn với việc ăn dặm, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
– Ngoài ra mẹ cũng có thể biến túi nhai thành đồ gặm nướu cho con. Con vừa gặm nướu nhưng lại vừa được trải nghiệm các hương vị thức ăn mới do mẹ chuẩn bị cho mình.

PHẦN 5. SO SÁNH CÁC PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM

Với nhiều phương pháp ăn dặm như thế chắc hẳn các mẹ sẽ rất bối rối để lựa chọn phương pháp phù hợp.Vậy nên mình sẽ tóm tắt ưu nhược điểm của các phương pháp ăn dặm để các mẹ có thể dễ dàng so sánh hơn trong bảng dưới đây nhé:
 

Ăn dặm truyền thống

 Ăn dặm kiểu Nhật

Ăn dặm BLW

Tiết kiệm thời gian chế biến

Tốn nhiều thời gian  chế biến

Tiết kiệm thời gian chế biến

Vệ sinh cho bé dễ dàng

Vệ sinh cho bé tương đối dễ dàng

Vệ sinh cho bé hơi bất tiện

Làm chậm khả năng ăn thô của bé

Giúp tăng khả năng ăn thô của bé sớm

Giúp tăng khả năng ăn thô của bé sớm

Bé không hứng thú trong ăn uống

Bé rất hứng thú trong ăn uống

Bé rất hứng thú trong ăn uống

Bé ăn bị phụ thuộc

Bé ăn tự lập

Bé ăn tự lập

Mất vệ sinh nếu người chăm sóc bé thường nhai nhuyễn thức ăn rồi đút cho bé

Đảm bảo vệ sinh

Đảm bảo vệ sinh

Không tìm ra nguyên nhân dị ứng do nhiều thức ăn trộn chung với nhau

Dễ tìm ra thức ăn bị dị ứng do thức ăn được tách riêng

Dễ tìm ra thức ăn bị dị ứng do thức ăn được tách riêng

Bảo quản thức ăn nhanh chóng

Tốn nhiều thời gian phân loại và bảo quản thức ăn

Bảo quản thức ăn nhanh chóng

 
Tóm lại, việc cho bé ăn dặm là một trong những nhiệm vụ khó khăn trong quá trình nuôi dạy con mà các mẹ phải trải qua. Do đó, việc kết hợp hai phương pháp ăn đút và ăn dặm BLW sẽ là gợi ý hay. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là mẹ vẫn nên tìm hiểu xem bé có những sở thích và thói quen ăn uống như thế nào. Từ đó các mẹ mới có thể lựa chọn ra những phương pháp ăn dặm phù hợp với bé nhé. 
—–
Kết nối với người viết qua Facebook: Nguyễn Võ Ngọc Nhi – Mẹ Tùng Lâm