Hành Trình Ăn Dặm Của Con Và 3 Bộ Kiến Thức Mẹ Cần Biết

Ăn dặm được coi là một dấu mốc quan trọng để các mẹ đánh giá được mức độ trưởng thành của con vì con sẽ được làm quen với một loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Mình cũng như bao nhiêu “tấm chiếu mới” khác khi sắp bước vào giai đoạn ăn dặm của con mình cũng băn khoăn nhiều thứ. Lúc đó mình sốt sắng đi tìm hiểu các phương pháp ăn dặm phù hợp với con. Mình nhớ lúc con được 4 tháng là mình đã bắt đầu tìm sách ăn dặm để đọc rồi. Mình đọc ngấu nghiến gần hết mấy cuốn sách ăn dặm. Trong đó có 2 cuốn mà mình rất hứng thú và cảm thấy phương pháp này phù hợp với con mình. Đó là quyển “Ăn dặm không phải là cuộc chiến và quyển “Kỷ luật bàn ăn –  Dinh dưỡng cân bằng”. Và thế là mình bắt đầu hành trình tập cho con ăn dặm khi con 6,5 tháng với những hành trang kiến thức tự trang bị được từ sách vở và các diễn đàn.

Hiện tại khi viết bài viết này, bé Tùng Lâm nhà mình đã được 19 tháng. Con đã biết xúc ăn thành thạo và rất vui vẻ trong mỗi bữa ăn. Ngồi nhớ lại hành trình tìm hiểu về ăn dặm của mình và những kinh nghiệm áp dụng để cho con ăn dặm, mình nghĩ cũng sẽ có nhiều mẹ cần những kiến thức mình cóp nhặt được và các trải nghiệm của mình khi cho con ăn dặm. Vậy nên mình viết lại hành trình của mình, hy vọng có thể giúp ích được cho các mẹ. Mình mong sao hành trình cho con ăn dặm của các mẹ sẽ không gặp phải nhiều khó khăn và mỗi bữa ăn của các con là niềm vui. Và sau đây mình xin mời các mẹ theo dõi những chia sẻ của mình trong quá trình cho bé Tùng Lâm nhà mình ăn dặm như thế nào nhé.

PHẦN 1: CHUẨN BỊ CHO CON ĂN DẶM

Những biểu hiện khi con đã sẵn sàng ăn dặm

Phần này mình tham khảo trong cuốn “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”. Sau đây là một số hiểu hiện con sẵn sàng ăn dặm mà mẹ có thể lưu ý:

  • Ăn dặm là giai đoạn mà bé chuyển dần từ việc ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức sang việc làm quen thêm các loại thực phẩm khác.
  • Theo như WHO hiện nay khuyến cáo nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi trẻ ít nhất được 6 tháng tuổi và con đã có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm.
  • Các biểu hiện của con mẹ cần biết để có thể bắt đầu việc ăn dặm cho con là:

Con đã cứng cổ, có thể tự ngồi vững được hoặc có thể ngồi khi được hỗ trợ 1 phần

Con có thể tự cầm và cho thức ăn vào miệng chính xác

Tuy nhiên mẹ cũng cần phân biệt các dấu hiệu con đã sẵn sàng ăn dặm với các dấu hiệu khác gây nhầm lẫn như là con hay mút tay, ăn sữa nhiều hơn bình thường và hay tỉnh giấc vào ban đêm – tất cả dấu hiệu này không chứng tỏ rằng con đã sẵn sàng ăn dặm nhé.

Dụng cụ ăn dặm 

Mình nhớ lúc đầu lên mạng tìm hiểu dụng cụ ăn dặm sao mình thấy nó nhiều quá, đủ các thể loại trên đời. Nhất là khi tìm dụng cụ ăn dặm trên Shopee, Lazada, Tiki thì thôi rồi, nhiều không kể và lại không biết chất lượng như thế nào nữa. Nhưng sau một hồi tìm hiểu, mình lên kế hoạch về những dụng cụ cần thiết trong quá trình ăn dặm của con sẽ bao gồm dụng cụ chế biến thức ăn và dụng cụ lúc cho con ăn. Tùy thuộc vào phương pháp ăn dặm mà mình sẽ lựa chọn dụng cụ chế biến phù hợp.

  • Dụng cụ chế biến bao gồm: nồi hấp, nồi nấu cháo, máy xay nếu mẹ cho con ăn dặm truyền thống và kiểu Nhật; nồi hấp và dao răng cưa nếu mẹ cho con ăn dặm kiểu BLW, dụng cụ trữ đông thực phẩm, tấm lót  hoặc giấy báo trải dưới ghế.
  • Dụng cụ cho con ăn: ghế ăn dặm, khay ăn dặm, yếm ăn dặm, chén, muỗng, cốc tập hút, túi nhai ăn dặm

Dụng cụ chế biến và dụng cụ cho bé ăn mẹ nên chọn các dụng cụ làm từ nguyên liệu an toàn, có xuất xứ rõ ràng, phân biệt các dụng cụ chế biến đồ sống và đồ chín và không nên dùng chung với các dụng cụ chế biến của gia đình.

Ghế ăn dặm cũng góp phần không nhỏ đến việc mẹ tạo thói quen ăn uống lành mạnh và kỷ luật bàn ăn cho con. Hiện nay có 2 loại ghế được sử dụng phổ biến là ghế gấp gọn và ghế cao. Ghế gấp gọn có khay ăn dễ tháo rời, ghế có thể xếp gọn để mang đi, thích hợp với gia đình không dùng bàn ăn hoặc bàn ăn thấp tuy nhiên ghế hơi nhỏ, với các bé bụ bẫm thì tầm 3 tuổi trở lên khi ngồi sẽ bị chật. Ghế cao có khay ăn lớn, ghế ngồi chắc chắn, rộng rãi, thích hợp với gia đình có bàn ăn cao, tuy nhiên đa số các ghế không thể gấp gọn để mang đi ra ngoài.

Bạn có thể tham khảo chi tiết về dụng cụ ăn dặm trong bài viết này của mình nhé: Dụng cụ ăn dặm theo từng phương pháp ăn dặm

Phân biệt hóc và ọe và cách sơ cấp cứu hóc

Theo mình, đây là kiến thức cực kì quan trọng cho các mẹ khi con bắt đầu ăn dặm. Mẹ đã gặp các trường hợp này chưa? Bản thân mình tìm hiểu phần này rất kĩ, vì muốn sẵn sàng xử lý kịp thời trong trường hợp con bị hóc và biết cách sơ cấp cứu hóc cho con. Sau đây là một số ý mà mình nghĩ các mẹ cần nắm:

– Đối với các bé từ 6 tháng tuổi, phản xạ ọe được kích thích ngay ở đầu lưỡi nên dễ ọe hơn người lớn người lớn và khi con lớn dần phản xạ này sẽ di chuyển vào trong cuống lưỡi. Phản xạ ọe là có ích vì nó giúp con học được cách xử lý thức ăn. Sau vài lần nuốt phải miếng to hay cho quá nhiều thức ăn vào miệng thì con sẽ biết mình không nên làm như vậy nữa. Ngược lại với ọe, khi bé bị hóc bé sẽ im lặng, tím tái hoặc đỏ, không thể khóc. Đây là tình huống nguy cấp và bé cần được sơ cấp cứu nhanh chóng để lấy dị vật ra ngoài.

  • Trong trường hợp bé có biểu hiện bị ho, nghẹn và đang cố gắng ọe để đẩy thức ăn ra ngoài thì các mẹ nên bình bĩnh quan sát và để con tự giải quyết. Các mẹ xin lưu ý TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHO TAY VÀO MÓC DỊ VẬT RA HOẶC CHO CON UỐNG NƯỚC vì có thể đẩy các dị vật vào sâu bên trong hơn, làm cho nguy cơ hóc tăng cao hơn.
  • Dù có thật sự không mong muốn con bị hóc nhưng để đảm bảo an toàn thì các mẹ cũng cần tìm hiểu về cách sơ cấp cứu khi trẻ bị hóc trước khi nhân viên y tế đến kịp thời nhé

Đối với trẻ dưới 1 tuổi

  • Bước 1 – Vỗ lưng: Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay bạn thả lỏng tựa vào cẳng chân, đỡ đầu bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng có thể đặt bé xuống đùi. Sau đó dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa 2 xương bả vai của bé). Tiếp đó bạn kiểm tra xem có dị vật không và lấy ra. Nếu không có tác dụng thì bạn chuyển sang động tác ấn ngực.
Cách sơ cứu khi bé ăn dặm bị hốc
Cách sơ cứu khi bé ăn dặm bị hốc
  • Bước 2 – Ấn ngực: Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn ngực. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú), ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực. Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
Cách sơ cứu bé khi ăn dặm đúng cách
Cách sơ cứu bé khi ăn dặm đúng cách

Đối với trẻ trên 1 tuổi 

  • Vỗ lưng: ngồi hoặc đứng phía sau con, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng bé ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ 5 lần tại vùng giữa 2 vai
  • Đẩy bụng: ngồi hoặc đứng phía sau con. Hai tay ôm quanh eo con, nắm 1 bàn tay và đặt lên bụng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức), bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy và kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần

Kỹ thuật hồi sinh tim, phổi khi trẻ ngưng tuần hoàn:

  • Thổi gạt 2 lần: bóp chặt mũi bé, miệng trùm lên miệng con nhẹ nhàng thổi ngạt 2 lần.
  • Sau đó ép ngực 30 lần: gót 1 bàn tay đặt lên xương ức của bé, gót bàn tay kia đặt lên bàn tay trên xương ức, các ngón tay của bàn tay đan vào nhau. Ép ngực mạnh và nhanh, thành ngực lún 5cm, nhịp độ ấn 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên liên tục 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép ngực càng lâu càng tốt cho đến khi bé tự thở lại.

Lưu ý: Cha mẹ và những người chăm sóc bé nên tham gia các khóa học về sơ cấp cứu để có kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu đúng chuẩn khi cần thiết.

Những vấn đề về sinh lý có thể gặp khi trẻ ăn dặm

Vì con mới bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu quá của con sẽ gặp khó khăn trong quá trình xử lý thức ăn mới ngoài sữa mẹ nên con mình cũng gặp phải tình huống là bạn ị không ra, lúc trước ti sữa mẹ thì phân đẹp mê ly mà đến khi con ăn dặm thì đi phân rất khó, phân dạng thỏi, hơi cứng và phải tầm 3-4 ngày mới đi một lần, mỗi lần đi là cứ khóc thét lên. Mẹ cứ nghĩ là con bị bón nên có tìm cách thụt cho con vài lần dù biết là không nên, con sẽ mất đi phản xạ tự nhiên khi mỗi lần đi vệ sinh. Thế rồi mình được tư vấn là con sẽ không thiếu nước và bị bón nếu con vẫn bú mẹ như bình thường. Mẹ có thể bổ sung thêm nước lọc tầm 30-60ml/ngày cho con, bổ sung thêm táo, lê, chuối, đu đủ… hoặc các loại nước ép (tốt nhất là nên cho bé ăn nếu bé hợp tác). Ngoài ra,  mẹ có thể làm các động tác tập thể dục cho con như massage bụng, đạp xe,.. hoặc ngâm con vào nước ấm để giúp việc đi vệ sinh của con được dễ dàng hơn. Và mẹ nên hiểu rằng việc vài ngày con mới đi ngoài với việc táo bón là vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nếu con vẫn chơi vui vẻ, ăn ngủ tốt thì không mẹ cũng đừng quá lo lắng.

Dị ứng – sóc phản vệ với thức ăn là một rối loạn  mẫn cảm của hệ miễn dịch với thứ ăn lạ và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dị ứng sẽ có biểu hiện như nổi mề đay, phù nề hoặc chóng mặt, nôn ói nhiều, nổi nốt đỏ khắp người. Ngoài dị ứng còn các phản ứng khác ở mức độ nhẹ hơn như đầy hơi, tiêu chảy, quấy khóc, đau bụng và khó ngủ. 

Ngoài ra, bé có thể gặp phải tình trạng khác như là đầy bụng hoặc nôn ọe thì có thể là do con ăn quá no hoặc nuốt nhiều hơi trong lúc ăn, hệ tiêu hóa chưa tiêu hóa được loại thức ăn nạp vào,… Để khắc phục tình trạng này mẹ nên cân đối lại lượng thức ăn phù hợp và vỗ ợ hơi thêm cho con sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài mẹ nên cho con đến bác sĩ để thăm khám và theo dõi thêm nhé.

PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM VÀ DINH DƯỠNG CÂN BẰNG

Các phương pháp ăn dặm

Mình tin là các mẹ có con ở độ tuổi bắt đầu ăn dặm cũng hoang mang về các phương pháp ăn dặm như mình. Hỏi bác Google thì bác đề xuất cho mình biết bao nhiêu loại làm mình hoa cả mắt. Tuy nhiên sau nhiều lần tìm hiểu thì hiện tại theo mình biết thì có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến là ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm bé chỉ huy (BLW). Mình xin tóm lại các ý sau về các phương pháp ăn dặm:

Phương pháp ăn dặm truyền thống được bắt đầu bằng việc cho ăn cháo hoặc bột nấu chung với các loại rau củ, thịt hoặc cá đã xay nhuyễn. Hỗn hợp này mẹ nên chú ý pha loãng. Chỉ đặc hơn 1 chút so với sữa mẹ để bé tập làm quen từ từ.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được bắt đầu bằng việc cho bé ăn cháo loãng nấu với tỉ lệ 1:10 (1 phần cháo: 10 phần nước) rồi rây nhuyễn hoặc các loại rau củ được hấp/luộc chín rồi xay hoặc nghiền nhuyễn với nước dashi theo tỉ lệ 1:10.

Phương pháp ăn dặm BLW thì các mẹ có thể bắt đầu cho con ăn các loại rau củ hấp hoặc luộc dạng thanh dài, cắt răng cưa, dài cỡ 1 ngón tay và rộng cỡ 1,5 ngón tay.

Bên cạnh đó mẹ có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau như ăn dặm truyền thống kết hợp ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm BLW,… Mẹ có thể sáng tạo phương pháp ăn dặm theo kiểu mẹ và con miễn sao mẹ cảm thấy phù hợp với con và hoàn cảnh gia đình mình thì mẹ cứ áp dụng nhé.

Chọn phương pháp ăn dặm nào đây?

Sau khi tham khảo các phương pháp, mình quyết định chọn phương pháp BLW để cho con ăn dặm vì nhiều lý do:

Thứ nhất, mẹ rất ghét cháo nên đương nhiên anh con sẽ không bao giờ được thưởng thức món cháo do mẹ nấu và đôi lần mẹ có lấy can đảm nấu cháo thì bạn ấy cũng thẳng tay từ chối. Ngoài ra, cháo được trộn chung với rau củ, thịt hoặc cá nên vị cứ na ná nhau nên có thể bé sẽ cảm thấy chán và nếu mẹ không chú ý tăng thô theo giai đoạn phát triển của con sẽ làm con mất đi khả năng nhai, mất hứng thú trong ăn uống.

Thứ hai là mẹ rất lười, mẹ cũng không đủ thời gian để cho con ăn dặm kiểu Nhật và mẹ cũng quan sát thấy con thích tự bốc ăn hơn là mẹ đút.

Thứ ba là phương pháp BLW thì nấu ăn vô cùng nhanh và gọn. Ban đầu thì mình chỉ hấp và luộc thôi, khi con đã thành thạo hơn rồi thì mình cũng tăng level lên, triển khai thêm các món xào, chiên, nướng,… đủ các thể loại cho bạn ấy hứng thú hơn trong quá trình ăn dặm. Nếu mẹ có thời gian thì mình nấu riêng cho con hoặc làm bánh thêm, còn nếu không tiện thì gia đình mình ăn gì thì mình lấy ra 1 phần cho con trước khi mình nêm nếm gia vị là xong.

Thứ tư là ăn thô ngay từ đầu không làm hại bao tử con như truyền thuyết và không có bằng chứng nào cho thấy khả năng hóc cao hơn là việc con ăn các thức ăn dạng lỏng, sệt.

Tìm hiểu các phương pháp ăn dặm
Tìm hiểu các phương pháp ăn dặm

Các giai đoạn ăn dặm BLW và cách chế biến thức ăn theo từng giai đoạn

Giai đoạn 1: Tập kỹ năng

  • Kỹ năng của bé: con bắt đầu biết cắn đồ ăn miếng lớn, nhai trệu trạo, có thể biết nuốt hoặc chưa biết nuốt, dễ bị ọe.
  • Output: còn lẫn thức ăn lổm ngổm trong phân.
  • Cách chế biến:  thức ăn ban đầu nên giới thiệu là rau củ hấp hoặc luộc cắt thanh dài, răng cưa, dài cỡ 1 ngón tay và rộng cỡ 1,5 ngón tay để bé dễ cầm, nắm
Luyện tập kỹ năng ăn dặm cho các bé
Luyện tập kỹ năng ăn dặm cho các bé

Giai đoạn 2: Phát triển kỹ năng (Bốc nhón)

  • Kỹ năng của bé: Bé cầm được đồ ăn nhỏ hơn, trơn hơn. Khi bốc nhón, bé nhón thức ăn bằng ngón trỏ và ngón cái giống như gọng kìm. Khi đã thành thạo, bé bắt đầu chơi với chén dĩa và tập xúc với muỗng/nĩa, ban đầu sẽ rất khó khăn, phải qua một thời gian dài tập luyện thì bé mới thành thạo.
  • Output: Hệ tiêu hóa trưởng thành hơn nên phân đỡ lổm nhổm hơn
  • Cách chế biến: Bé đã có thể ăn được thức ăn cắt nhỏ hơn, đa dạng các loại thực phẩm (thịt, cá, trứng,…) và cách chế biến hơn (nướng, xào, rán, sốt,…). Lúc này mẹ cần cắt thức ăn thành hình vuông, chữ nhật hoặc bầu dục. Kích thước thức ăn sẽ to cỡ bao diêm rồi nhỏ dần đến khi bằng hạt đậu Hà Lan và tùy thuộc vào mức độ thành thạo của con mà mẹ chế biến cho phù hợp.

Giai đoạn 3: Hoàn thiện kỹ năng

  • Kỹ năng của bé: Bé sử dụng muỗng/nĩa tốt gọn gàng. Có thẻ bắt đầu tập dùng đũa. Kỹ năng nhai và nuốt của bé hoàn thiện. 
  • Output: Hệ tiêu hóa hoàn chỉnh gần như người lớn, phân của bé sẽ thành khuôn và hầu như không lợn cợn (trừ khi ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất xơ như bưởi, ngô)
  • Cách chế biến: Bé ăn đã ăn những bữa hoàn chỉnh như người lớn. Mẹ có thể chế biến các món dễ xúc cho con như súp dạng sệt, khoai tây nghiền, sinh tố,… trong giai đoạn đầu con tập xúc thìa. Sau đó khi con thành thạo hơn thì có thể cho con xúc cơm, xúc canh và tập đũa cho con.

Lưu ý: Khi bé chưa được 1 tuổi, không nêm thêm gia vị/nước mắm vào món ăn của bé.

Cân bằng dinh dưỡng

Mình bắt đầu tập ăn dặm cho con là khi con được 6,5 tháng thì đến 9,5 tháng mình mới thấy bạn ăn nhiều hơn chứ ở giai đoạn trước bạn ấy ăn kiểu như là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, chủ yếu là con đang tập làm quen với thức ăn, vừa ăn vừa chơi nên mẹ cũng không quan trọng lắm việc con ăn bao nhiêu. Có hôm mẹ làm một mâm đồ ăn hoành tráng chứ bạn chả ăn được bao nhiêu, còn dư lại thì mẹ bạn hưởng hết nên đừng bảo sao em không ốm nổi nhé các bác.Vậy nên nếu con ăn rất ít hoặc không ăn, không hợp tác ngay từ đầu thì các mẹ cũng đừng lo lắng quá vì đây chỉ là tạo bước đệm để con thuận lợi hấp thu dinh dưỡng từ bên ngoài và rèn luyện kỹ năng ăn uống tốt hơn cho đến khi con lên 1 tuổi. Mẹ không nên nôn nóng ép con ăn, hãy tôn trọng con nhé.

Vậy khi bé đã ăn thành thạo thì con ăn bao nhiêu là đủ và như thế nào là cân bằng dinh dưỡng? Dưới đây là hướng dẫn lượng ăn trong một ngày của trang baybycenter.com (trang web uy tín thế giới về bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em). Đó chỉ là lượng ăn tham khảo, con mới là chỉ dẫn chính xác nhất:

 

Bé từ 9-12 tháng

Bé từ 12-24 tháng

Đơn vị tính: bát cơm có dung tích 240g

Lượng ăn gợi ý trong 1 ngày:

– 1/4-1/3 bát cơm chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua, váng sữa)

  • 1/4-1/2 bát ăn cơm ngũ cốc (bổ sung sắt)
  • 1/4-1/2 bát ăn cơm trái cây
  • 1/4-1/2 bát ăn cơm rau củ
  • 1/8-1/4 bát ăn cơm thực phẩm chứa đạm
  • Tối thiểu 480ml sữa
  • 85,04g ngũ cốc
  • 1 bát ăn  cơm trái cây (ăn trái cây trực tiếp tốt hơn dùng nước ép)
  • 1 bát ăn cơm rau
  • 56,69g các sản phẩm chứa đạm
  • Tối đa 480ml sữa (bao gồm các chế phẩm từ sữa)

Trong quá trình ăn dặm của con, mẹ cũng cần chú ý cân bằng giữa các nhóm chất để xây dựng một thực đơn ăn dặm dinh dưỡng và lành mạnh cho bé. Trong đó rau, củ và trái cây chiếm 50%, mẹ nên đa dạng về chủng loại và màu sắc, lưu ý ăn rau,  củ nhiều hơn trái cây, nên ăn theo mùa, ăn nhiều loại rau ăn lá có màu xanh đậm, trái cây ít ngọt. 

Đạm (protein) chiếm 25% bao gồm thịt, cá, trứng sữa tuy nhiên cần hạn chế ăn thịt đỏ và có thể thay thế bằng các loại hạt giàu protein khác như hạnh nhân, óc chó, các loại đậu và chế phẩm từ đậu,… 

Tinh bột (carbohydrates) cũng chiếm 25% có nhiều trong các loại ngũ cốc, gạo, lúa mì, yến mạch, khoai, ngô,… Mẹ nên hạn chế cho con ăn bánh kẹo, nước ngọt, đường tinh luyện,… vì đây là những thực phẩm giàu carbs đơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và tim mạch.

Nước lọc và các loại đồ uống không đường thì mẹ cứ cho con uống thoải mái và được khuyến cáo là 6-8 cốc/ngày (cốc 150ml) tùy theo cân nặng của trẻ.

Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, váng sữa,…) chỉ cần tối đa 500ml/ngày

Dầu mỡ mẹ cần cho lượng vừa phải và nên dùng các chất béo có lợi như dầu dừa, dầu oliu, dầu hạt cải, dầu lạc, bơ đậu phộng,… để thay thế trong các bữa ăn.

Ngoài ra mẹ cần tăng cường các hạt động thể chất cho con mỗi ngày như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày hoặc các hoạt động tương đương sẽ giúp tiết ra hóc môn tăng trưởng HGH. Nên nếu muốn con lớn nhanh các mẹ đừng quên điều này nhé!

Tháp dinh dưỡng khi ăn dặm cho các bé
Tháp dinh dưỡng khi ăn dặm cho các bé

Một số thực phẩm, gia vị mẹ cần tránh khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm đó là:

  • Mật ong: tuyệt đối không cho trẻ dưới 1 tuổi ăn cũng như các loại thực phẩm có chứa mật ong.
  • Các thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, đường và muối, các thịt đã qua chế biến công nghiệp, nước ngọt và nước có gas.
  • Sữa tươi, lòng trắng trứng, bơ đậu phộng.
  • Các loại hạt, quả tròn có khả năng gây hóc, nghẹn cần được chế biến kĩ trước khi cho bé ăn.

Cách bảo quản thực phẩm đúng cách để đảm bảo an toàn

Trong độ tuổi ăn dặm, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị nhiễm bệnh từ các tác nhân bên ngoài, nhất là trong ăn uống nếu không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Các nguyên tắc mẹ cần chú ý:

  • An toàn vệ sinh thực phẩm phải được chú ý từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến.
  • Bảo quản ngăn mát với nhiệt độ tủ lạnh 0-5 độ C từ 2-3 ngày
  •  Không đông lại thực phẩm đã rã đông, không cho con ăn lại thức ăn thừa
  • Dụng cụ đựng thực phẩm phải có nắp đậy và không để cùng 1 ngăn thực phẩm sống với thực phẩm chín
  • Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm thường xuyên, nếu mẹ chế biến 1 lần và trữ đông lại cho bé ăn dần thì cần ghi chú thêm ngày chế biến.

PHẦN 3: KỶ LUẬT BÀN ĂN VÀ MỘT SỐ LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH CHO CON ĂN DẶM

Kỷ luật bàn ăn

Chuyện là khi mà trình độ ăn uống của bạn Lâm đã lên một tầm cao mới thì bạn ấy cũng sẽ đòi hỏi hơn, yêu cầu cao hơn về cái trình độ nấu ăn của mẹ bạn. Con cũng biểu hiện rõ hơn sở thích của mình. Và chính từ đây, chất xám của mẹ Lâm phải vận dụng hết vì bạn ấy KHÔNG ĂN RAU. Bạn từ chối tất cả các thể loại rau, không chịu nếm thử dù chỉ là một miếng bé tí tẹo và thẳng tay ném đồ ăn xuống đất. Dù cho mẹ có làm đủ các thể loại cơm trộn rau, cơm ăn với canh, salad,… bạn cũng đều từ chối. Mẹ có tìm hiểu là thông thường thì trung bình mình cần phải thử ít nhất 10-15 lần thì mới biết mình thích món đó hay không. Nên mẹ vẫn kiên trì giới thiệu rau cho con nhưng có vẻ không ăn thua. 

Sau đó mẹ đã thử trong bàn ăn mẹ nhắc nhở bạn về việc nên ăn rau, mẹ thỏa thuận là nếu con ăn một miếng rau thì sẽ được ăn một miếng thức ăn khác mà con yêu thích. Chiêu này áp dụng cũng được vài lần thì cũng bị bay màu. Thế là mẹ phải nghiền ngẫm thêm cuốn “Kỷ luật bàn ăn – Dinh dưỡng cân bằng” để tìm cách giúp con chấp nhận ăn rau dù chỉ là một miếng thôi. Lý do để mẹ áp dụng kỷ luật bàn ăn là vì con đã ăn lệch một nhóm thức ăn trong 1 thời gian dài và có hành vi xấu là ném thức ăn.

Trước khi tiến hành biện pháp mạnh, mẹ đã thông báo với con về việc nếu con không ăn rau. Thì mẹ sẽ không cho con thử các món ăn mà con thích và kết thúc bữa ăn sau 3 lần cơ hội. Và nhân một ngày đẹp trời, mẹ cũng nấu đồ ăn cho con nhưng hôm nay xác định là con sẽ không ăn nên bớt bày vẽ lại. Mẹ mời con vào bàn, rồi đưa miếng rau cho con, con hét lên, tiếng hét xuyên màng nhĩ bà mẹ tào khang.

Hành trình tập cho bé ăn rau củ quả của mẹ Lâm

Lần thứ 1: Bà mẹ giọng nhẹ nhàng nói: “con ăn thử một miếng rau thì mẹ sẽ cho con 1 miếng thịt nhé!”. Anh con trai lấy tay gạt ngang và vứt hết thức ăn xuống đất. Ok, out! Lần thứ 2 và 3 vẫn như vậy, vẫn thẳng tay ném đồ ăn. Và lần thứ 4 con vẫn có thấy độ lồi lõm như lúc đầu nên mẹ cho ra luôn. Anh con vừa ra khỏi ghế vừa gào thét hết 30 phút, đến tận giờ đi ngủ mới thôi. Thế là bạn Lâm nhịn bữa trưa nhé! 

Tiếp đó là mẹ mời con ăn bữa cơm chiều. Mẹ cũng đã chuẩn bị tâm lý là có thể anh con sẽ không ăn và để bụng đói mà ngủ xuyên đêm nay. Nhưng không, sau khi mẹ mời lần thứ nhất bạn vẫn từ chối thì sang lần thứ 2 bạn không thể để mình chịu đói thêm được nữa. Cữ cơm chiều bạn ấy đã có thái độ vô cùng hợp tác. Con ăn hết cả phần trưa bỏ dở lẫn phần cơm chiều luôn trong vòng 1 nốt nhạc. Cơm đưa tới miệng con thoăn thoắt mà không hề có một tiếng la hét từ miệng con nữa. Hoà bình đã được lập lại. 

Song song với việc mẹ áp dụng kỷ luật bàn ăn để con ăn rau thì trong mỗi bữa ăn lúc nào mẹ cũng làm 2 món rau để dự phòng, một món con thích ăn hoặc ăn được và một món con không thích. Mỗi tối trước khi đi ngủ mẹ thường tâm sự rất nhiều với con về việc con ăn rau sẽ tốt như thế nào với con, khen con khi trong ngày hôm đó con ăn rau nhiều. Mẹ cứ kiên trì làm điều đó từ ngày này qua tháng nọ thì đến hiện tại con cũng ăn rau rất ổn so với lúc trước rồi.  Về việc mình có cần áp dụng kỷ luật bàn ăn cho con hay không thì còn phải tùy vào từng trường hợp. Do đó, mẹ nên tìm sách đọc thêm để xác định trường hợp nào, biểu hiện của con trong bàn ăn như thế nào thì cần áp dụng kỷ luật bàn ăn nhé.

Mục đích của việc áp dụng kỷ luật bàn ăn

  • Giúp con có thói quen ăn tập trung, ngồi một chỗ từ đầu đến hết bữa ăn.
  • Giúp con ăn uống đủ chất và cân bằng dinh dưỡng
  • Con dần học được tự do trong khuôn khổ, điều gì con có thể làm và điều gì con không nên làm

Một số lưu ý trong quá trình ăn dặm

  • Các lưu ý về an toàn

+ Phân biệt rõ hóc, ọe – kỹ thuật cấp cứu hóc.

+ Không để bé ngồi một mình với thức ăn.

+ Nếu thấy bé chưa giữ thẳng đầu hoặc chưa ngồi vững, hãy chờ thêm một thời gian nữa.

+ Bắt đầu với những thức ăn an toàn và nếu ăn BLW thì chọn thức ăn dễ cầm nắm. 

+ Dù là phương pháp nào thì khi mới bắt đầu nên cho bé ăn cùng một loại thực phẩm 3 ngày liên tiếp để thử dị ứng và nên sắp xếp ăn dặm vào buổi trưa để tiện theo dõi biểu hiện của con hơn.

+ Kiểm tra tiền sử dị ứng của gia đình trước khi cho bé ăn.

  • Các điều lưu ý dành cho mẹ

+ Cho bé ăn đa dạng các loại thức ăn và tránh các loại thức ăn có hại cho sức khỏe.

+ Cố gắng không nêm gia vị cho bé.

+ Cho bé ăn cùng với gia đình khi nào có thể.

+ Chọn thời điểm thích hợp để bé tập ăn dặm.

+ Duy trì cho bé đủ sữa trong giai đoạn đầu tập ăn (560-800ml/ngày).

+ Không nên thúc giục, dọa dẫm hay nịnh nọt nếu bé không hứng thú tập ăn.

+ Không đút đồ ăn vào miệng bé, không ép con ăn, không xem thiết bị điện tử.

+ Không nên so sánh con với các bé khác.

+ Quan sát thái độ, hành vi của bé trong thời gian ăn dặm để có cách ứng xử phù hợp.

+ Tạo thói quen ăn uống khoa học cho bé ngay từ khi mới bắt đầu như là ăn phải ngồi vào bàn/ghế ăn dặm, thắt dây an toàn, ngồi thẳng lưng, một bữa ăn gói gọn trong 30 phút, đã ra khỏi bàn thì không được ăn nữa,…

+ Đối với các trẻ biếng ăn tâm lý thì thường có 3 nguyên nhân chính: một là bé chưa đói, hai là thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị bé và ba là phụ huynh chúng mình hay đặt kì vọng cao hơn sức ăn của con. Do đó mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh cho phù hợp nhé.

TỔNG KẾT

Đây là những trải nghiệm của cá nhân mình. Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp ích được phần nào cho mọi người. Mọi người nên hiểu mình chỉ là người cung cấp thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng cho con còn việc con ăn bao nhiêu là quyền của con, hãy để con có thể tự quyết định.

Chúc mọi người thành công để ăn dặm không phải là cuộc chiến nữa nhé!

Xin chào và hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo của mình nhé.

Nguồn tham khảo sách “ Ăn dặm không phải là cuộc chiến”, “Kỷ luật bàn ăn – Dinh dưỡng cân bằng”.

—-

Nguyễn Võ Ngọc Nhi – Mẹ Tùng Lâm – Kết nối trên Facebook