Khi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, bé có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cầm nắm hay nhai một số loại thực phẩm nên sẽ cần tới sự trợ giúp của túi nhai. Tuy nhiên, việc dùng túi nhai ăn dặm cũng có một số hạn chế nếu bạn quá lạm dụng. Mời bạn cùng Milena tìm hiểu về loại sản phẩm này nhé.
NỘI DUNG CHÍNH
Ưu nhược điểm của túi nhai ăn dặm
Là một vật dụng hữu ích nhưng túi nhai ăn dặm vẫn có các đặc điểm, ưu nhược điểm mà mẹ cần nắm rõ trước khi quyết định sử dụng cho bé.
Ưu điểm
- Giúp bé làm quen với nhiều loại thực phẩm hơn: Những đồ ăn quá mềm hay khó cầm nắm sẽ khiến bé gặp nhiều khó khăn khi ăn. Nhờ có túi nhai ăn dặm bé có thể ăn được nhiều món như xoài, bơ, chuối,..
- Giảm nguy cơ bị hóc, nghẹn: Nhờ túi lưới, túi silicon có lỗ nên thức ăn sẽ ở dạng nhuyễn, mềm khi bé nuốt, qua đó mẹ không còn sợ bé bị hóc, bị nghẹn kể cả khi cho bé ăn những thực phẩm cứng như táo, lê, dưa chuột…
- Trở thành món đồ chơi thú vị: Mẹ đang chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình và muốn bé chơi thật ngoan trên ghế? Lúc này mẹ có thể bỏ một ít thức ăn, hoa quả vào túi nhai ăn dặm, bé sẽ say mê khám phá món ăn mà không đòi mẹ cho đến khi bữa ăn chính đến.
- Là dụng cụ giảm đau mọc răng hiệu quả. Bé bị sưng nướu, rách lợi khi mọc răng sẽ rất khó chịu và đau. Lúc này mẹ có thể cho hoa quả cắt nhỏ đã để lạnh vào túi nhai ăn dặm để bé ngậm, hơi lạnh từ hoa quả sẽ giúp giảm bớt cơn đau.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm, túi nhai ăn dặm còn tồn tại một số nhược điểm trong quá trình sử dụng:
- Đầu tiên phải kể đến việc khó vệ sinh. Túi dạng lưới hay silicon có lỗ nhỏ đều khó làm sạch sau khi sử dụng. Vì vậy thức ăn có thể còn sót lại và khiến vi khuẩn xuất hiện trong lần sử dụng kế tiếp.
- Bé không thể cảm nhận được kết cấu của đồ ăn. Túi ăn dặm dù giúp bé được ăn nhiều thức ăn đa dạng hơn nhưng lại cản trở răng, lưỡi của bé tiếp xúc trực tiếp với hình dạng, kết cấu của thức ăn. Việc này sẽ ảnh hưởng tới khả năng nhai, chuyển thức ăn của lưỡi.
- Hạn chế khả năng dùng tay của bé: Khi tập bốc thức ăn đưa lên miệng bé sẽ phát triển kỹ năng cầm nắm, xử lý với những hình dáng, độ mềm khác nhau của thức ăn và cảm nhận thức ăn rõ ràng hơn. Túi nhai ăn dặm vì vậy mà hạn chế khả năng này của bé.
Dùng túi nhai ăn dặm có phải là phương pháp tự chỉ huy (BLW) không?
Được dùng như một dụng cụ hỗ trợ quá trình ăn dặm cũng như giúp bé phát triển khả năng ăn thô, thế nhưng nhược điểm lớn nhất của túi nhai ăn dặm đó là làm bé mất đi tính chủ động khi tiếp cận với đồ ăn:
Thiết kế của túi nhai ăn dặm không cho phép bé tiếp cận với đồ ăn một cách toàn diện (tay không được cầm nắm để cảm nhận góc cạnh, độ trơn hay nhám của đồ ăn, răng không được nghiền nhỏ, lưỡi không được trộn nhuyễn đồ ăn đến khi có thể nuốt,..). Thay vì nhai phần thô của đồ ăn, bé chỉ có thể cảm nhận được phần nước và phần bột tiết ra từ đồ ăn trong túi.
Kỹ năng nhai và khả năng nhận biết các loại đồ ăn của bé cũng không được phát triển (khi bé nhai cà rốt sẽ khác với khi bé nhai súp lơ,…). Một kỹ năng vô cùng quan trọng nữa cũng có thể bị bỏ lỡ khi sử dụng túi nhai đó là khả năng phối hợp hoạt động của tay – mắt khi cầm nắm đồ ăn, hay còn được gọi là “vận động tinh”.
Vì vậy, túi nhai ăn dặm không phù hợp với các bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (BLW). Nhiều mẹ nhầm tưởng rằng, khi cho con tự cầm túi nhai ăn dặm ăn tức là bé đã được ăn một cách chủ động. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng với tinh thần của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW) – đó là bé được tự quyết định mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào.
Với những lí do trên, có thể thấy, túi nhai ăn dặm không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho bé trong giai đoạn ăn dặm về sau, khi mà bé cần phát triển nhiều kỹ năng hơn.
Những loại thực phẩm để vào túi ăn dặm
Túi nhai ăn dặm cho bé thường được dùng khi trẻ mới bắt đầu ăn dặm. Mẹ nên chọn những loại thực phẩm sạch sẽ, an toàn để bảo vệ hệ tiêu hoá cho trẻ.
Nếu bé chưa ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn sữa mẹ đông lạnh trong những ngày bé đình công không chịu bú.
Khi bé lớn hơn, mẹ có thể cho bé ăn những loại trái cây. Nên chọn các loại có hương vị ngọt nhẹ nhàng như chuối chín, dâu tây, táo, lê, nho, dưa hấu, xoài. Trái cây cần được cắt thành từng miếng nhỏ, gọt vỏ và bỏ hạt để trước khi cho vào túi nhai. Mẹ có thể chọn loại trái cây tùy theo độ tuổi và sở thích của con.
Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm. Nhưng không nên cho nhiều loại thức ăn cùng một lần, mỗi lần một loại để bé làm quen với mùi vị cũng như dễ dàng nhận biết ra loại thực phẩm làm con khó chịu hay dị ứng.
Xem thêm bài viết: Hướng dẫn cách sử dụng túi ăn dặm hiệu quả
Hướng dẫn cách vệ sinh túi nhai ăn dặm cho bé
Mẹ có thể dùng dụng cụ cọ bình sữa để vệ sinh túi nhai ăn dặm cho bé bằng cách: để túi nhai dưới vòi nước chảy để xả bỏ đồ ăn còn dư trong túi nhai ăn dặm. Nếu cẩn thận hơn các mẹ có thể trần túi nhai qua nước sôi để đảm bảo cặn thức ăn đã được rửa trôi hết.
Sau đó để túi nhai ăn dặm được khô ráo. Nếu có máy khử khuẩn, mẹ có thể để túi nhai ăn dặm vào để khử khuẩn và đảm bảo vệ sinh hơn. Nếu như không có, mẹ có thể để túi nhai ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Trước khi sử dụng, nên khử trùng túi nhai bằng hơi nước hoặc nước sôi để tiêu diệt mầm bệnh.
Qua bài viết trên, hẳn các mẹ đã thấy được những lợi ích khi sử dụng túi nhai ăn dặm cho bé cũng như những hạn chế của sản phẩm này. Milena mong rằng mẹ sẽ có kiến thức hữu ích để lựa chọn cho bé yêu những điều tốt nhất cho sự phát triển dài lâu của bé yêu.