Để duy trì chất lượng của sữa mẹ vắt ra và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé, các mẹ cũng như người chăm sóc trẻ nên tuân thủ các cách bảo quản sữa mẹ đúng khoa học đã được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.
NỘI DUNG CHÍNH
Trước khi vắt sữa mẹ
Vấn đề về vệ sinh rất quan trọng không chỉ trong cách bảo quản sữa mẹ, mà còn đòi hỏi từ bước vắt sữa ban đầu. Mẹ cần lưu ý những điều sau trước khi vắt sữa:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn có nồng độ cồn trên 60%
- Nếu sử dụng máy hút sữa, cần vệ sinh máy và dụng cụ hút sữa để đảm bảo vệ sinh, thay thế nếu dụng cụ bị mốc hoặc không được sạch sẽ
- Lau sạch các nút bấm, công tắc nguồn và bề mặt máy hút sữa bằng khăn thấm dung dịch tẩy rửa.
Dụng cụ trữ sữa mẹ sau khi vắt
- Sử dụng túi trữ sữa hoặc bình trữ sữa chuyên dụng sạch, có nắp đậy kín làm bằng thủy tinh hoặc nhựa không chứa BPA để trữ sữa mẹ vắt ra.
- Không trữ sữa mẹ trong các chai dùng một lần hoặc túi nhựa thông thường, không dành riêng để chứa sữa mẹ.
Xem thêm: Túi trữ sữa Medela chính hãng
Nhiệt độ và thời gian bảo quản sữa mẹ
Sữa mẹ mới vắt ra
- Nhiệt độ phòng 16 – 25 độ C, sữa mẹ nên dùng trong 3 – 4 giờ (tối đa 4 giờ nhưng vẫn ưu tiên sử dụng càng nhanh càng tốt).
- Trường hợp sữa mẹ vắt ra được bảo quản trong túi đá khô ở nhiệt độ khoảng 15 độ C sẽ bảo quản được trong khoảng 8 – 12 giờ
Sữa để trong ngăn mát tủ lạnh
- Sữa tươi mới vắt với nhiệt độ tủ lạnh 0 – 4 độ C bảo quản được trong 3 ngày.
- Sữa rã đông với nhiệt độ tủ lạnh 0 – 4 độ C bảo quản được trong 1 ngày.
Sữa để trong ngăn đá tủ lạnh
- Tủ lạnh gia đình: nhiệt độ -5 độ C bảo quản được trong 3 tháng.
- Tủ lạnh chuyên dụng: nhiệt độ -18 độ C bảo quản được trong 6 – 12 tháng.
Lưu ý trong cách bảo quản sữa mẹ
Những hướng dẫn này dành cho sữa mẹ hút ra cho bé khỏe mạnh, sinh đủ tháng. Nếu bé sinh non, bị bệnh hoặc nhập viện hãy thảo luận về hướng dẫn lưu trữ sữa với bác sĩ của bé.
- Để tránh lãng phí, rã đông nhanh và hâm nóng sữa dễ dàng hơn bạn nên trữ sữa trong túi nhỏ 60 – 150ml. Tránh để sữa quá đầy trong túi trữ sữa vì khi khi sữa đông lại thể tích sẽ tăng lên có thể làm sữa trào ra ngoài.
- Sữa mẹ hư hỏng khi có mùi rất tệ và có vị chua.
Có nên trộn sữa mẹ vắt ra ở 2 thời điểm khác nhau?
Bạn có thể trộn lẫn sữa mẹ mới vắt ở các cữ/ngày khác nhau vào một túi trữ sữa. Tuy nhiên không được trộn chung sữa vừa mới hút với sữa trữ trong tủ lạnh. Sữa mẹ mới vắt ra cần được để trong tủ mát vài tiếng để nhiệt độ cân bằng trước khi trộn chung sữa với nhau. Mẹ ghi ngày trên túi trữ sữa là ngày của cữ sữa đầu tiên mẹ hút.
Có nên trộn sữa mẹ mới vắt ra với sữa đã trữ đông
Bạn có thể trộn lẫn sữa mẹ mới vắt vào sữa đã trữ đông miễn là chúng ở cùng nhiệt độ. Tuy nhiên, sữa mẹ mới được vắt ra thường mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe hơn so với sữa mẹ đông lạnh trước đó, vì vậy tốt hơn hết là nên cho bé bú sữa mới vắt ra.
Cách rã đông sữa mẹ an toàn
Các nguyên tắc khi rã đông sữa mẹ
- Tuân thủ nguyên tắc vào trước, ra trước: ưu tiên rã đông sữa có ngày vắt lâu nhất ghi trên nhãn vì theo thời gian chất lượng sữa mẹ có thể giảm dần
- Rã đông sữa trong tủ lạnh: bạn có thể đặt túi trữ sữa vào ngăn mát tủ lạnh vào buổi tối trước ngày bạn cần dùng, việc rã đông mất khoảng 12 giờ.
- Không nên để sữa rã đông ở nhiệt độ phòng sẽ làm gia tăng nhanh vi khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
- Có thể để túi trữ sữa dưới vòi nước chảy để rã đông nhanh hơn, bắt đầu từ nhiệt độ mát và tăng dần nhiệt độ lên.
- Sữa rã đông chỉ nên dùng tối đa trong 24 giờ. Thời gian được tính kể từ khi sữa đã tan hoàn toàn, không phải bắt đầu từ lúc sữa được lấy ra khỏi tủ trữ sữa.
- Sữa được hút ra (nếu được làm lạnh) có thể thêm vào sữa đông lạnh với số lượng ít hơn sữa đã đông.
- Sữa đã rã đông phải dùng hết trong 1 giờ, nếu bé không dùng hết cũng tuyệt đối không được cấp đông lại sữa đã rã đông.
- Sữa đã cho bé bú không dùng hết phải bỏ, không dùng/ hâm/ trữ lại.
- Không pha sữa đông, rã đông còn thừa (cả chưa bú) với sữa mới vắt.
- Cần tránh lắc mạnh, rã đông nhanh ở 100 độ C vì lắc & thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm mất tính năng tự nhiên của 1 số phân tử protein bảo vệ (kháng thể).
- Dù sữa rã đông có bị giảm kháng thể nhưng chỉ kém hơn sữa mẹ bú trực tiếp và vẫn tốt hơn sữa công thức hoàn toàn không có kháng thể nào.
Lưu ý khi rã đông trong cách bảo quản sữa mẹ
Sữa mẹ rã đông sẽ có mùi xà phòng, điều này được gây ra với một enzyme gọi là lipase giúp tiêu hóa chất béo trong sữa mẹ. Nếu mùi này gây khó chịu cho bé, bạn có thể thanh trùng sữa trước khi trữ đông bằng cách đun sữa mẹ trên bếp cho đến khi xuất hiện những bong bóng nhỏ xung quanh mép nồi thì tắt bếp (KHÔNG ĐUN SÔI SỮA sẽ làm mất chất dinh dưỡng).
Hâm nóng sữa mẹ đúng cách
Có cần phải hâm nóng sữa mẹ?
Trên thực tế, sữa mẹ không cần phải hâm nóng và có thể cho bé bú ở nhiệt độ phòng hoặc lạnh hơn. Nếu quyết định hâm nóng sữa mẹ, bạn có thể thực hiện theo những cách sau đây:
- Luôn giữ bình/túi trữ sữa kín trong khi hâm nóng
- Để bình/túi trữ sữa vào cốc nước ấm khoảng 40 độ hoặc máy hâm sữa.
- TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG LÒ VI SÓNG HOẶC ĐUN NÓNG SỮA TRỰC TIẾP TRÊN BẾP để làm ấm sữa.
Lưu ý khi hâm nóng sữa mẹ
- Lớp chất béo sẽ nổi lên trên cùng bề mặt sữa trong quá trình bảo quản. Nhẹ nhàng xoay bình hoặc túi trữ sữa (không lắc mạnh) để trộn sữa trước khi kiểm tra nhiệt độ và cho bé bú.
- Nếu bé không bú hết sữa trong một lần, phần còn dư lại vẫn có thể được sử dụng trong vòng 2 giờ tiếp theo, sau thời gian này thì nên loại bỏ, tránh hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng.
Mặc dù cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh hay tủ đông có thể giữ được độ an toàn khi sử dụng trong thời gian dài hơn so với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên việc tuân thủ yêu cầu về thời gian và cách lưu trữ sữa mẹ đã được khuyến nghị là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất cho bé.
Xem thêm:
Cách kích sữa: Tất tần tật những điều mẹ cần biết