Chắc hẳn các bà mẹ đang bước chân trên hành trình nuôi con sữa mẹ luôn có nhiều nỗi bận tâm lo lắng. Và nỗi bận tâm lớn nhất luôn làm các mẹ trăn trở đó là cách kích sữa nào đủ cho con? Con bú mẹ thôi thì có đủ sữa không? Các mẹ sữa luôn ngưỡng mộ và có phần tự ti trước những bà mẹ khác- những bà mẹ luôn rủng rỉnh, sữa dư chất đầy 1 tủ đông. Các mẹ háo hức muốn biết các bà mẹ ấy đã làm thế nào? Thông qua bài viết này Milena muốn giúp mẹ hiểu rõ, cởi bỏ được ít nhiều các thắc mắc và tự tin hơn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
NỘI DUNG CHÍNH
Cách kích sữa, kích sữa là gì?
Thật ra khái niệm kích sữa chính là thúc đẩy việc sản xuất sữa và làm tăng nguồn sữa hiện có của mẹ khi nguồn sữa mẹ không đủ cung cấp cho em bé của bạn hoặc bạn muốn tăng lượng sữa mẹ nhiều hơn nhu cầu một chút để sử dụng cho mục đích khác (cho tặng sữa mẹ) hoặc đơn giản chỉ muốn có thêm một lượng sữa dư nhất định cho bé của bạn.
Sản xuất sữa là một quá trình cung và cầu. Nếu bạn cần tăng nguồn cung cấp sữa điều quan trọng là phải hiểu“ cách tạo ra sữa” – hiểu được cơ chế này sẽ giúp bạn làm những điều đúng đắn để tăng sản lượng sữa. Những phương pháp để tăng lượng sữa mẹ gọi là cách kích sữa.
Cơ chế tạo sữa mẹ
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cơ chế tạo sữa mẹ. Nắm rõ cơ chế này sẽ giúp mẹ hiểu cách kích sữa như thế nào cho đúng.
Sữa mẹ được tạo ra dưới ảnh hưởng của hormone và các chất điều tiết trong cơ thể (tương tự như hormone). Có thể tóm tắt các giai đoạn của quá trình tạo và tiết sữa như sau:
Giai đoạn tạo sữa thứ nhất (L1)
Quá trình biệt hóa sữa
Bắt đầu từ khoảng tuần thứ 16-20 của thai kỳ đến khoảng 72 giờ sau khi sinh, là giai đoạn tạo sữa vàng đầu tiên. Kiểm soát bởi cơ chế hormone do Prolactin kích hoạt và progesterone ức chế.
Giai đoạn tạo sữa thứ hai (L2)
Còn gọi là quá trình kích hoạt sữa: Là giai đoạn chuyển tiếp từ sữa vàng đầu tiên sang sữa già. Bắt đầu từ khoảng 30- 40h sau sinh (một số đến sau 50-73h) và tiếp tục đến 6 tuần kế tiếp. Sau khi sinh nhau thai bong ra gửi truyền tín hiệu làm progesterone giảm xuống nồng độ prolactin tăng cao, sữa được tạo ra dồi dào. Lượng sữa sản xuất theo nhu cầu bú của bé. Tuy nhiên, cơ thể mẹ chưa hiểu nhu cầu sữa của con là bao nhiêu nên tiết sữa dư thừa, dẫn đến tình trạng căng tức ngực.
Giai đoạn thứ 3 (L3)
Quá trình duy trì tiết sữa (cơ chế cung cầu): Bắt đầu từ tuần thứ 6 và đến khi cai sữa. Cơ chế tạo sữa vẫn phụ thuộc vào 2 hormon : prolactin tạo sữa và oxytocin tiết sữa nhưng lại được kiểm soát bởi cơ chế nhu cầu tại chỗ.
Có 2 yếu tố kiểm soát cơ chế nhu cầu tại chỗ này
FIL (Feedback inhibitor of lactation): là 1 loại whey protein trong sữa mẹ – ức chế tại chỗ sản xuất sữa. Khi hàm lượng FIL giảm ( ngực trống) sẽ kích thích cơ thể sản xuất thêm sữa và ngược lại khi hàm lượng FIL tăng (ngực đầy) cơ thể sẽ giảm sản xuất sữa.
Prolactin receptor: ở màng đáy nang sữa. Nang sữa căng phồng (ứ sữa) làm prolactin ở màng đáy giảm sản xuất sữa giảm.
Vì vậy ở giai đoạn này tốc độ tạo sữa dựa vào “độ trống” của tuyến sữa và ống dẫn sữa sau cữ bú. Càng bú/hút thường xuyên, sữa sẽ được tiếp tục tạo ra càng nhanh đồng nghĩa với việc muốn “kích sữa ” chỉ cần tăng cữ bú/hút nhằm làm tăng lượng sữa được lấy ra từ bầu vú.
Bầu vú mẹ ở giai đoạn này hầu như không còn tự nhiên căng sữa trước cữ bú như giai đoạn trước nữa. Nhưng sữa vẫn sản xuất ngay trong cữ bú nên mẹ cứ yên tâm cho bé bú theo nhu cầu.
Sau khi hiểu được cơ chế tạo sữa chúng ta biết được rằng đoạn LI và LII xảy ra bất kể mẹ có cho bé bú hay không còn giai đoạn L3 phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ làm “ trống sữa” trong tuyến sữa
Vì vậy để có cách kích sữa thành công mẹ cần biết mình đang ở giai đoạn nào. Từ sau sinh đến 6 tuần là thời gian vàng cho nhà máy sản xuất sữa hoạt động hết công suất vì thế nếu ở giai đoạn này bạn ôm ấp cho bé bú thường xuyên theo nhu cầu của bé với 1 khớp ngậm đúng thì lượng sữa hoàn toàn là đủ thậm chí có dư. Vì vậy không cần phải thêm cữ vắt/hút nào ngoài việc cho con bú đúng, đủ, đều theo nhu cầu của bé. Bỏ qua giai đoạn đầu này việc kích sữa ở giai đoạn sau sẽ vô cùng khó khăn.
Ngộ nhận việc mẹ ít sữa thiếu sữa
Vậy bắt đầu kích như thế nào và làm thế nào đi đúng hướng: Trước tiên hãy xác định mức độ thiếu sữa giúp mẹ biết nên áp dụng cách kích sữa nào.
Những mẹ tìm hiểu cách kích sữa thường là những mẹ đã bỏ qua thời gian đầu của giai đoạn L2 (giai đoạn 3-5 ngày sau sinh), có nghĩa là lúc mà cơ thể cần tín hiệu (nhờ các tác động bú hoặc vắt/hút) để thúc đẩy nhà máy sản xuất sữa mẹ hoạt động một cách bình thường. Mẹ đã bỏ qua thời điểm mấu chốt này với các lý do sau: mẹ không tích cực cho con bú mút hoặc bé có khớp ngậm sai khiến lượng sữa lấy ra không hiệu quả sữa ứ lại làm cơ thể giảm sản xuất sữa. Hoặc các mẹ hút sữa hoàn toàn mà các cữ vắt/hút không đủ số lần và thời lượng trong mỗi cữ hút khiến cơ thể không nhận đủ kích thích cần thiết. Mẹ nên biết rằng động tác bú mút của trẻ giúp kích thích hormon tiết sữa và tạo sữa tốt nhất mà không một máy hút sữa nào có thể mô phỏng được.
Ngoài ra thường có những mẹ hiểu lầm rằng mình đang thiếu sữa cần phải kích thêm chúng ta cần tìm hiểu kĩ về trường hợp này trước khi đi qua tình trạng mẹ thiếu sữa thực sự.
Ngực mềm có phải mẹ ít sữa không?
Mẹ thấy ngực mềm, không còn căng trước cữ hút hoặc cữ bú của bé. Mẹ thấy bé vẫn quấy khóc sau khi bé bú mềm ngực, bé bú vặt cứ 1h đến 2h là đòi bú. Sau khi bú xong bé ngủ không ngoan.v.v. Các mẹ nghe những điều này có quen không? Nhiều mẹ thấy những tín hiệu này thì vội vàng cho rằng mình bị thiếu sữa. Đa phần những trường hợp này nếu mẹ đang ôm bé bú trực tiếp hoàn toàn thì chỉ cần tiếp tục cho bú theo nhu cầu của bé vài ngày là mọi việc sẽ ổn. Vì sao vậy? Bé của bạn và bạn có thể đang nằm trong các trường hợp sau:
- Bé tăng nhu cầu bú (bé đang trong thời kỳ tăng trưởng nhanh)
- Bé đang trong giai đoạn quấy, rơi vào tuần khủng hoảng nên bé tăng nhu cầu bú mút để được trấn an.
- Bé bú gộp: trong tháng đầu tiên có nhiều bé sơ sinh có hiện tượng bú gộp, bé bú 5-10 phút rồi ngủ 5-10 phút và rồi lại bú tiếp làm cữ bú có thể kéo dài cả tiếng đồng hồ.
- Sau khoảng 6 tuần mẹ sẽ thấy ngực mềm, không thấy ngực căng trước cữ bú, không còn thấy hiện tượng bé bú bên này sữa chảy bên kia như thời gian đầu. Đây chỉ là sự thay đổi giai đoạn tạo sữa ( giai đoạn L3) chứ không phải sữa mẹ bị giảm. Điều này hết sức bình thường vì cơ thể đã hiểu rõ nhu cầu của bé nên sẽ sản xuất vừa đủ.
Đối với các trường hợp trên nếu mẹ hiểu rõ kiến thức sẽ yên tâm tiếp tục cho con bú. Nhưng có những mẹ vì quá lo lắng lại bổ sung cho con thêm 1 vài cữ sữa bên ngoài. Kết quả là từ việc đủ sữa mẹ sẽ thật sự bị thiếu sữa vì vài cữ bổ sung đó. Mẹ cần biết thêm kiến thức về các dấu hiệu bú đủ của bé để yên tâm cho bé “tu ti’.
Hút sữa không ra có phải do mẹ ít sữa?
Nhiều trường hợp mẹ hút sữa không hiệu quả nên lại nghĩ mình ít sữa và tìm mọi cách để kích sữa thêm. Tuy nhiên việc hút sữa không hiệu quả có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:
– Chưa quen với máy hút sữa: Mỗi máy hút sữa có nhịp hut/nhả khác nhau, mẹ cần có thời gian làm quen với nhịp hút và chế độ massage của máy. Và thời gian làm quen ít nhất 1 tuần trở lên. Mẹ sẽ thấy lượng sữa hút ra sẽ tăng dần. Lần đầu tiên dùng máy hút sữa ra vài ml là hết sức bình thường chứ không phải do mẹ ít sữa nên hút không ra.
– Máy hút sữa không tốt: Máy hút sữa chất lượng tệ sẽ có lực hút không ổn định lúc mạnh lúc yếu lâu ngày sẽ làm mẹ bị “chai” phản xạ xuống sữa và dễ tắc tia.
– Không chọn đúng size phễu: Đây là 1 lỗi các bạn hay mắc phải khi dùng máy hút sữa khiến đầu ti lâu ngày bị tổn thương, ức chế phản xạ xuống sữa.
– Chưa hút sữa đúng cách: Sử dụng lực hút quá mạnh, hút quá lâu trong một cữ, bỏ qua chế độ massage.
– Căng thẳng khi hút sữa: căng thẳng khi hút sữa sẽ ức chế phản xạ xuống sữa khiến hút sữa không hiệu quả.
Và còn rất nhiều nguyên nhân khác.
Mẹ tham khảo thêm bài viết này để có thể hạn chế các sai lầm khi dùng máy hút sữa và giúp kích sữa bằng máy hút sữa hiệu quả hơn: 11 sai lầm khi dùng máy hút sữa.
Nếu đã đảo bảo mình không mắc những lỗi sai như trên, mẹ có thể áp dụng cách kích sữa bằng máy hút sữa chi tiết bên dưới.
Chảy sữa ướt áo nhưng vắt không ra?
Thậm chí một số mẹ sữa chảy ướt áo nhưng vắt không ra vẫn nghĩ là mẹ ít sữa, cần phải kích sữa. Điều này hoàn toàn là không đúng. Nếu mẹ ở trường hợp này có thể tham khảo thêm bài viết này nhé: Sữa chảy ướt áo nhưng vắt không ra.
Mẹ thực sự thiếu sữa cần kích sữa?
Là trường hợp mẹ bổ sung thêm sữa bên ngoài cho bé (sữa mẹ đi xin, sữa công thức, hoặc sữa trữ đông của mẹ khoảng thời gian trước đó). Lượng sữa mẹ thiếu bằng lượng sữa mẹ bổ sung thêm cho bé. Nếu lượng sữa bổ sung dưới 100ml/ ngày: mẹ thiếu sữa ít. Và nếu như trên 100ml mẹ có khả năng thiếu sữa từ mức trung bình đến nhiều.
Hoặc mẹ thấy các dấu hiệu bé bú không đủ như sau:
– Nước tiểu ít, màu vàng sậm
– Tăng cân chậm hoặc không tăng cân trong chuẩn WHO
Trong các trường hợp này, mẹ nên tìm hiểu rõ hơn về trường hợp của mình, các cách kích sữa và chọn cho mình một cách phù hợp.
Cách kích sữa non sau sinh
Cách kích sữa non sau sinh thường
Tổ chức y tế thế giới và các hiệp hội sữa mẹ ở các quốc gia đều khuyến khích mẹ cho bé bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Tại sao lại là 1 giờ đầu sau sinh? Chúng ta quay lại phần cơ chế tạo sữa, trong quá trình sinh bé nhau thai bong ra tạo ra sự thay đổi về lượng của các loại hoocmon có vai trò điều tiết trong quá trình tạo sữa và tiết sữa vì thế việc cho bú sớm giúp “ bình thường hóa” quá trình này đồng thời gửi truyền tín hiệu hối thúc việc sản xuất của “nhà máy sữa mẹ’’. Ngoài ra việc cho bú sớm cũng giúp mẹ và bé đạt những lợi ích sau đây:
- Bé nâng cao cơ hội được hưởng trọn vẹn lợi ích của 72h vàng sữa non quý giá
- Bé bú sớm và nhiều sẽ giúp mẹ tránh được rắc rối của hiện tượng cương sữa sinh lý ( thường xảy ra trong khoảng từ 3-5 ngày sau sinh) đây là hiện tượng sữa về ồ ạt khiến ngực mẹ căng tức khó chịu, nếu bé đã bú mút giỏi từ trước sẽ giúp mẹ giải quyết cương sữa hiệu quả.
- Trong quá trình bú mút sẽ tăng tiết ra hoocmon oxytocin giúp co hồi tử cung của mẹ được tốt hơn.
- Bú sớm và bú tốt từ những ngày đầu sau sinh giúp con đường nuôi con sữa mẹ thuận lợi hơn.
Nếu sau sinh thường mẹ và bé đều khỏe mạnh, mẹ và bé được thực hiện các quy trình chuẩn khoa học đang được áp dụng phổ biến hiện nay như: bé được da kề da ít nhất 1h sau sinh( càng lâu càng tốt), trì hoãn kẹp dây rốn.. Những việc mẹ, nhân viên y tế, người thân hỗ trợ nên làm trong những giờ đầu sau sinh giúp bé bú mẹ sớm:
- Mẹ tích cực da kề da nhiều lần với bé để kích thích phản xạ gốc ( phản xạ tìm ti mẹ). Có những em bé đã bú cữ đầu tiên trên ngực mẹ trong lúc da kề da khi vừa sinh xong.
- Mẹ có thể tìm hiểu và lựa chọn tư thế bú thoải mái. Tư thế bú rất quan trọng, nếu mẹ có tư thế bế chuẩn sẽ giúp bé dễ dàng có được 1 khớp ngậm đúng. Nếu mẹ thấy không thoải mái hoặc bị đau khi cho con bú có thể nhờ nhân viên y tế hoặc các chuyên viên sữa mẹ hướng dẫn kiểm tra lại tư thế bú và khớp ngậm của bé.
- TUYỆT ĐỐI không được dùng bình sữa, ti giả trong thời gian này để bảo vệ khớp ngậm quý giá của bé. Sử dụng bú bình sẽ làm sai khớp ngậm nguyên thủy khiến khi bú mẹ trẻ sẽ khó khăn trong việc ngậm bắt và dễ từ chối vú mẹ.
Trong những giờ đầu và những ngày đầu sau sinh việc bé bú mút sớm với khớp ngậm đúng sẽ giúp lấy sữa non từ bầu vú hiệu quả nhất so với các phương pháp vắt hút bằng tay hoặc máy.
Cách gọi sữa về sau sinh mổ
Trường hợp sau sinh mổ, nếu mẹ và bé khỏe mạnh được thực hiện các quy trình chuẩn giống như sinh thường thì mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú sớm trong vòng 1h đầu sau sinh ( tùy cách áp dụng quy trình sinh mổ của mỗi nơi mẹ nên tham khảo và chọn chỗ trước khi sinh). Điểm khác biệt của mẹ sinh mổ so với mẹ sinh thường là do vết mổ gây đau làm mẹ hạn chế trong việc vận động. Mẹ có thể sử dụng những tư thế bế đặc biệt để giúp mẹ thoải mái hơn như tư thế nằm, tư thế ôm bóng,..
Bạn tham khảo chi tiết hơn ở bài viết sau: Cách Kích Sữa Non Cho Mẹ Sinh Mổ: 6 Điều Mẹ Cần Nhớ
Cách kích sữa non cho bé bị cách ly
Đối với trường hợp mẹ và bé bị cách ly do tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, thời gian cách ly kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ, bạn cần thực hiện vắt sữa đều đặn. Các chuyên gia sữa mẹ khuyên bạn nên vắt tay trước vì lúc này sữa non rất đặc và dính máy hút sữa khó hút ra được. Lưu ý là kỹ thuật vắt sữa non bằng tay và massage chuẩn xác tránh nhồi bóp ngực thô bạo làm tổn thương các mô tuyến. Bạn có thể tham khảo kỹ thuật vắt tay này trên các kênh truyền thông sữa mẹ uy tín.
Bạn có thể kết hợp cả vắt tay và hút bằng máy. Hút / vắt đều đặn 2 tiếng /lần và thực hiện cho mỗi bên vú từ 10-15 phút, đảm bảo số lần hút / vắt trong 24 tiếng là 10 -12 lần. Bạn có thể nằm nghỉ ngơi trong lúc chụp phễu hút sữa lên 2 bầu vú và để máy hoạt động. Bạn không cần lo lắng sữa sẽ chảy ngược xuống vì sữa non rất ít đặc và kết dính. Việc hút / vắt thường xuyên như thế để kích thích tuyến vú, gửi tín hiệu lên não bộ rằng có em bé đang cần sữa.Việc hút/vắt sữa ngay sau sinh và vài giờ sau đó sẽ giúp bình thường hóa quá trình sản xuất sữa của bạn, ngăn ngừa cương sữa sinh lý sau sinh.
Bạn có thể tham khảo chi tiết qua bài viết “Cách Kích Sữa Non Cho Mẹ Sinh Mổ: 6 Điều Mẹ Cần Nhớ” bên trên.
Cách kích sữa khi bé ti mẹ trực tiếp
Đảm bảo bé có khớp ngậm đúng
Với những mẹ thiếu sữa nhưng bé vẫn hợp tác ti mẹ, bé bú mẹ hiệu quả thì chúng ta nên ưu tiên cho bé ti mẹ trực tiếp nhiều hơn sau đó mới hỗ trợ bằng cách vắt tay hoặc hút máy sau cữ bú để kích thêm sữa cho mẹ.
Mẹ nên nhớ, điều tiên quyết đầu tiên là bé cần phải bú mẹ hiệu quả. Có nghĩa là mẹ cần phải có tư thế bú đúng, sau đó là bé phải có khớp ngậm đúng. Chỉ khi 2 việc này mẹ làm tốt thì việc kích sữa khi bé ti trực tiếp mới hiệu quả.
Nếu chưa chắc chắc mình đã cho bé bú đúng chưa, mẹ có thể tham khảo 2 bài viết sau:
– Khớp ngậm đúng: 8 bước quan trọng mẹ cần kiểm tra
– 04 tư thế cho bé bú đúng dễ dàng mẹ nên áp dụng
Tiếp theo, chúng ta chia làm 2 trường hợp kích sữa như sau:
Cách kích sữa cho mẹ thiếu dưới 100ml / ngày
Mẹ có thể mạnh dạn cắt hẳn lượng sữa ngoài bổ sung cho bé và cho bé ti mẹ trực tiếp. Thời gian đầu có thể bé sẽ ti lâu hơn, ti nhiều cữ và lắt nhắt hơn nhưng chỉ cần vài ngày là lượng sữa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Nếu mẹ thấy áp lực thì có thể chuyển qua phương pháp giảm lượng sữa bổ sung một cách từ từ cho đến khi cắt hẳn, mẹ có thể áp dụng giảm 10ml bổ sung trong mỗi cữ ở ngày đầu tiên và giảm dần lượng ở các ngày tiếp theo
Cách kích sữa cho mẹ thiếu trên 100ml / ngày
Mẹ ưu tiên cho bé ti mẹ trước, tích cực đổi qua lại giữa 2 bên ngực khi thấy bé nuốt ít, bé có thể bú lâu hơn (có thể kéo dài 45-60 phút) và sau đó bổ sung thêm sữa ngoài cho con đủ no. Sau cữ bú của bé mẹ vắt /hút mỗi bên ngực thêm từ 10-15 phút.
Lưu ý: Cữ vắt/hút thêm này không quá gần với cữ bú tiếp theo của bé vì sữa xuống chậm có thể khiến bé khó chịu không hợp tác, bé dễ buồn ngủ.
Đối với trường hợp mẹ bổ sung những cữ cố định cho con (không bú mẹ ở cữ đó). Mẹ có thể áp dụng phương pháp giảm lượng sữa bổ sung khoảng 10ml và cho con ti mẹ thêm cho đến khi bé no. Mẹ áp dụng một tuần đầu tiên sau đó tiếp tục giảm thêm 10ml những ngày tiếp theo. Sau những cữ bú này mẹ có thể hút/ vắt sữa thêm (có thể 1-2 cữ / ngày và không bắt buộc).
Cách kích sữa không dùng máy hút sữa
Hay còn gọi là cách kích sữa bằng cách đổi bên cho con bú. Trong mỗi cữ bú, mẹ sẽ đổi con qua lại giữa các bên ngực sau tầm vài phút (chẳng hạn 3’) và mẹ cứ làm như vậy cho đến khi bé bú xong. Đây là một cách kích sữa khá đơn giản, không cần sử dụng máy hút sữa, nhưng cũng không kém phần hiệu quả.
Mẹ có thể tham khảo thêm bài viết: Cách Kích Sữa Không Dùng Máy Hút Sữa Bằng Cách Đổi Bên Cho Con Bú
Cách kích sữa bằng cốc hứng sữa
Ngoài những phương án trên mẹ có thể tham khảo thêm cách kích sữa bằng cách kết hợp cho bé ti với sự hỗ trợ của cốc hứng sữa (hay còn gọi là cốc hút sữa / máy hút sữa silicone rảnh tay) giúp mẹ rút ngắn thời gian kích sữa, thuận tiện và mẹ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.
Không như tên mọi người hay gọi, cốc hứng sữa không chỉ hứng sữa mà còn có tác dụng hút sữa. Khi bóp vào thân cốc, sau đó áp vào ngực mẹ, cốc hứng sữa sẽ tạo lực hút chân không tự nhiên, hít chặn lên ngực mẹ. Khi mẹ cho bé bú một bên, tận dụng phản xạ xuống sữa của mẹ, cốc hứng sữa sẽ hút sữa ra một cách tự nhiên mà mẹ gần như không phải làm gì cả. Và đây cũng là cách kích sữa bằng cốc hứng sữa hiệu quả và dễ dàng nhất. Rất nhiều mẹ đã bất ngờ với lượng sữa hút được khi kích sữa bằng cốc hứng sữa, sau một thời gian kích sữa bằng máy hút sữa không hiệu quả.
Thú vị hơn, nhiều mẹ đến khi phải đi làm lại đã quyết định không mua máy hút sữa mà vẫn tiếp tục dùng cốc hứng sữa cho con mà vẫn hiệu quả. Thậm chí mẹ còn có thể hút sữa bằng cốc hứng sữa ở chỗ làm kết hợp với việc vắt sữa bằng tay.
Bạn có thể đọc thêm bài viết chi tiết này: Cách kích sữa bằng cốc hứng sữa
Và tham khảo thêm video kích sữa bằng cốc hứng sữa của bác sĩ sữa mẹ Anh Thy này nhé.
Cách kích sữa bằng máy hút sữa theo lịch kích sữa
Cách kích sữa bằng máy hút sữa
Đối với bé không chịu ti mẹ hoặc bú mẹ không hiệu quả, bé chỉ nút vài nhịp trên ti mẹ sau đó từ chối hoặc chỉ ngậm mà không nút và nuốt vì vậy không có tác dụng kích sữa. Các mẹ sẽ áp dụng cách kích sữa bằng máy hút sữa theo 1 lịch hút sữa cố định với sự hỗ trợ của máy hút sữa.
Để kích sữa bằng máy hút sữa hiệu quả, việc đầu tiên đảm bảo kích sữa bằng máy hiệu quả là mẹ cần phải chọn cho mình một size phễu hút sữa phù hợp. Việc chọn size phễu hút sữa phù hợp thậm chí còn quan trọng hơn việc mẹ chọn loại máy hút sữa nào. Vì khi chọn không đúng size phễu thì chắc chắn việc kích sữa bằng máy hút sữa của mẹ sẽ không hiệu quả. Mẹ có thể tham khảo bài viết này để đảm bảo chọn đúng size phễu hút sữa: Cách chọn size phễu hút sữa đúng.
Tiếp sau đó để hút sữa hiệu quả, mẹ cần chọn cho mình một máy hút sữa điện đôi thay vì máy hút sữa đơn. Máy hút sữa điện đôi sẽ mô phỏng việc 2 em bé sinh đôi bú mẹ, nên có công dụng kích sữa tốt hơn nhiều so với máy hút sữa đơn.
Sau đó mới đến việc mẹ sử dụng cách hút sữa đúng cách. Mẹ có thể tham khảo bài viết các sai lầm khi dùng máy hút sữa bên được đề cập trên để hút sữa đúng cách nhé.
Lịch kích sữa
Lịch hút sữa này sẽ có những cữ hút cách nhau 2- 3h / lần. Tổng cữ hút sữa trong ngày sẽ từ 8-12 lần. Ví dụ: 1 mẹ có lịch hút sữa như sau: 0h, 3h, 6h, 9h, 12h, 15h, 18h, 21h.
Có nhiều lịch kích sữa khác nhau phù hợp với từng trường hợp của mẹ khác nhau như lịch kích sữa L3, 4, 5,… Mẹ nên tuân thủ lịch hút sữa với thời gian cố định nhưng không cứng ngắc. Nghĩa là mẹ có thể xê dịch giờ giấc hút sữa so với lịch dự kiến nếu như mẹ bận việc từ 15 đến 20 phút nhưng không nên để ‘lố” giờ hút quá 30 phút. Trong trường hợp mẹ biết rằng tới cữ hút sữa đó mình sẽ bận không thể hút kịp, mẹ có thể hút sớm hơn thời gian dự kiến 30 phút.
Chi tiết về các lưu ý khi sử dụng máy hút sữa, cách kích sữa bằng máy hút sữa và lịch kích sữa, bạn xem thêm bài viết này: Cách Kích Sữa Cho Mẹ Ít Sữa Theo Lịch Kích Sữa L3
Cách kích sữa theo phương pháp Power Pumping
Nếu muốn việc kích sữa nhanh hơn, mẹ có thể áp dụng cách kích sữa với 1 cữ hút sữa trong ngày phương pháp Power pump. Mẹ lưu ý chỉ áp dụng trong khoảng thời gian tối đa 1 tuần. Phối hợp lịch hút sữa với phương pháp này giúp mẹ rút ngắn thời gian kích sữa.
Mẹ tham khảo phương pháp kích sữa này theo bài viết sau: Phương pháp kích sữa power pump.
Cách kích sữa kết hợp máy hút sữa và cốc hứng sữa
Nhiều mẹ khi kích sữa bằng máy hút sữa không hiệu quả đã áp dụng cách kết hợp máy hút sữa và cốc hứng sữa. Một lưu điểm của cốc hứng sữa là nó không tạo lực bóp – nhả như máy hút sữa. Chính vì vậy cốc hứng sữa không làm cho mẹ bị đau như khi dùng máy hút sữa. Trong trường hợp một bên ti mẹ bị đau hoặc quá nhạy cảm, mẹ có thể sử dụng cốc hứng sữa thay vì máy hút sữa. Cốc hứng sữa bằng silicone cao cấp sẽ tạo lực hút âm, hút sữa ra nhẹ nhàng nhưng rất hiệu quả.
Kết hợp giữa kích sữa bằng máy và tập bé ti mẹ lại
Các tư vấn sữa mẹ luôn khuyến khích mẹ kết hợp tập bé ti mẹ lại song song với việc kích hút bằng máy. Việc kết hợp này hiệu quả hơn và rút ngắn thời gian kích sữa. Bởi vì cho con bú trực tiếp chính là loại máy hút sữa giúp kích sữa tốt nhất. Đồng thời việc cho bé ti mẹ trực tiếp cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ & bé. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết này: Vì sao nên cho con bú sữa mẹ?
Chắn chắn việc cho tập bé ti mẹ sẽ không hề dễ dàng. Nhưng nếu mẹ hiểu được lợi ích của việc cho con bú trực tiếp và quyết tâm tập lại khả năng thành công vẫn rất cao. Nếu vẫn còn băn khoăn về kỹ thuật cho con bú hoặc cần người có chuyên môn đồng hành hỗ trợ về kỹ thuật và tinh thần, bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của các tư vấn sữa mẹ chuyên nghiệp.
Các mẹo giúp mẹ kích sữa về nhanh
Các mẹo dân gian như ăn “đồ lợi sữa”, đắp men rượu,.. có giúp mẹ nhiều sữa?. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Uống bột ngũ cốc lợi sữa?
Ngũ cốc chứa nhiều đạm thực vật, giàu sắt nên phù hợp bổ sung dưỡng chất cho nhiều đối tượng, đặc biệt cho mẹ sau sinh nhưng bột ngũ cốc không giúp các mẹ nhiều sữa và cũng không tăng chất lượng sữa. Theo nghiên cứu màu sắc sữa mẹ ảnh hưởng bởi các thực phẩm mẹ tiêu thụ nên nhiều mẹ uống ngũ cốc vào sẽ thấy sữa vàng hơn lầm tưởng rằng uống ngũ cốc làm tăng chất lượng sữa giúp sữa tốt hơn. Cùng với niềm tin này cộng thêm việc các mẹ uống ngũ cốc lúc ấm nóng làm cho việc lưu thông chất lỏng trong cơ thể tốt hơn, sữa chảy ra nhanh hơn càng làm các mẹ càng tin rằng ngũ cốc thật sự “ lợi sữa”.
Sự thật là không có thực phẩm nào được gọi là “lợi sữa” cả nhưng nếu mẹ ăn những thức ăn ngon, khi ăn uống xong mẹ cảm thấy thích thú vui vẻ lại giúp mẹ nhiều sữa hơn. Vì khi được ăn ngon có 1 loại hoocmon dopamine được tiết ra, nó lại có mối tương quan với hoocmon tạo sữa prolactin. Sau cảm giác ngon miệng đó, hoocmon Prolactin hoạt động mạnh mẽ hơn giúp sữa tạo ra nhiều hơn. Như vậy “đồ ăn không lợi sữa nhưng đồ ăn ngon lại lợi sữa”, mẹ nào thích uống ngũ cốc, tin rằng nó tốt (tác dụng tâm lý) thì nó sẽ “lợi sữa” với mẹ đó.
Vì vậy các món ăn dân gian như móng giò, xôi… cũng không có tác dụng ‘kích sữa” (ngoại trừ nếu đây là các món ăn khoái khẩu của mẹ thì sẽ có chút tác dụng).
Uống đủ nước hay uống nhiều nước
Việc uống đủ nước rất quan trọng vì nước là thành phần chính tạo nên sữa. Vì vậy ngoài cung cấp nước cho bản thân người mẹ, mẹ còn phải tăng lượng nước để bù lại lượng nước dành cho việc tạo sữa. Nhưng cũng đừng vì thế mà mẹ uống quá nhiều nước tạo gánh nặng cho thận. Mẹ chỉ cần uống lượng vừa đủ làm sao để mẹ không cảm thấy khát. Mẹ để ý các dấu hiệu của cơ thể về việc thiếu nước như : môi khô, nước tiểu đậm màu. Mẹ nên nhớ uông nước thường xuyên ở 2 thời điểm là trước cữ bú/hút và sau cữ bú/hút. Nhiều mẹ kết hợp với uống nước nóng ấm trước mỗi cữ bú/hút cũng thấy có hiệu quả.
Chườm ấm giúp kích sữa
Dân gian hay dùng men rượu đắp lên ngực mẹ để “gọi sữa về” thật ra đây cũng là 1 dạng chườm ấm. Các bà các mẹ thường sử dụng cách này cho những mẹ mới sinh. Chườm ấm có tác dụng làm thông thoáng tia sữa, kích thích phản xạ xuống sữa giúp sữa chảy nhanh hơn. Nhưng trong 1 số trường hợp đặc biệt như tắc tia sữa đã chuyển qua viêm hoặc cương sữa sinh lý quá mức thì việc lạm dụng chườm ấm sẽ làm tình trạng nặng nề hơn.
Tham khảo thêm bài viết:
Cách thông tắc tia sữa tại nhà hiệu quả
Cương sữa sinh lý sau sinh: Những điều mẹ cần biết
Massage ngực giúp kích thích phản xạ xuống sữa
Việc kích thích phản xạ là cách kích sữa hiệu quả, đã được khoa học và thực nghiệm chứng minh. Và em bé đang làm rất tốt việc này khi bắt đầu mỗi cữ bú mẹ bằng việc nút rất nhanh và mạnh để kích thích dây thần kinh nằm trên quầng vú. Các máy hút sữa cũng đã mô phỏng thao tác này của em bé với chế độ massage mỗi đầu cữ hút.
Tham khảo bài viết: Cách Kích Sữa Bằng Cách Tăng Phản Xạ Xuống Sữa
Mẹ cũng hoàn toàn có thể kích thích phản xạ xuống sữa bằng tay. Mẹ có thể thực hiện theo các bước sau:
Sử dụng máy massage cho con bú để kích sữa
Việc massage ngực bằng tay có thể đòi hỏi mẹ cần phải luyện tập và thực hành để có thể thành thạo. Đồng thời nếu không quen, nó cũng sẽ làm mẹ mỏi tay. Một biện pháp thay thế việc massage bằng tay hữu hiệu hơn đó là sử dụng máy massage cho con bú. Giải pháp này được rất nhiều các mẹ trên thế giới sử dụng vì sự đơn giản cũng như hiệu quả của nó trong cách kích sữa.
Ngoài thị trường có 2 loại máy là máy massage cho con bú nhiều chế độ rung và máy massage chườm ấm. Tùy trường hợp mẹ có thể chọn một trong 2 loại máy massage cho con bú này. Hoặc mẹ có thể sử dụng đồng thời cả hai loại trong trường hợp sử dụng máy hút sữa sẽ giúp việc kích sữa của mẹ và phòng tắc tia sữa hiệu quả.
Tổng kết về cách kích sữa
Kích sữa là 1 hành trình cần rất nhiều niềm tin và sự kiên trì. Nếu bạn chưa chọn cho mình cách kích sữa phù hợp hoặc chưa biết bắt đầu hành trình này như thế nào? Hãy đến với Milena để được tư vấn theo từng trường hợp cụ thể và để trở thành mẹ sữa hạnh phúc nhé. Đội ngũ Milena rất vui khi được đồng hành cùng mẹ sữa, hạnh phúc vì một em bé chào đời được bú sữa mẹ.