Phần lớn các bé sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên vào khoảng tháng thứ 6. Thông thường, những chiếc răng đầu tiên mọc khá dễ dàng, bé chảy nhiều nước dãi. Và muốn nhai mọi thứ mà bé có thể chạm tay vào. Việc nướu bị cắt nứt ra để nhú răng có thể làm cho nướu của bé bị sưng và đau. Lúc đó bé bú mẹ trực tiếp thường muốn cắn ti mẹ cũng như nhai mọi thứ khác để giảm bớt sự khó chịu.
Khi mọc răng hay lúc chưa mọc, vết cắn của bé cũng gây khó chịu và có thể nói còn rất đau. Bài viết này sẽ giải thích lý do tại sao bé hay cắn, cách phòng tránh bị cắn và phải làm gì nếu bị bé cắn.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Có phải bé nào cũng cắn ti mẹ khi bú?
Nhiều trẻ sơ sinh không bao giờ cắn khi bú. Hầu hết các bé sẽ thử một vài lần. Và sau đó không bao giờ làm điều đó nữa sau khi gặp phản ứng giật mình từ mẹ. Với một số bé, việc bỏ thói quen này sẽ khó hơn một chút. Nhưng tất cả bé dù ở độ tuổi nào, đều có thể học cách không cắn nữa.
Bé ngậm vú và bú đúng cách sẽ không cắn được vú mẹ. Nếu núm vú nằm ở vị trí xa trong miệng, đồng thời môi và lợi của trẻ nằm sau núm vú trên quầng vú khoảng một 2.5cm, thì lưỡi của trẻ sẽ che nướu, giữa răng dưới và vú của mẹ. Nếu bé đang bú tích cực, bé không thể cắn. Và nếu bé cắn, có nghĩa là bé không bú hiệu quả. Khi bé đã mọc răng, mẹ có thể quan sát sau khi bé bú xong, trên quầng vú có dấu ấn do áp lực tác động trong khi bú thì mẹ xem lại khớp ngậm của con vì bé không nên ngậm răng vào vú. Khi mẹ cảm thấy không thoải mái khi cho con bú thì cho con dừng ti và thử ngậm ti lại.
2) Một Số Mẹo Về Việc Ngăn Chặn Việc Bé Cắn Mẹ Khi Bú
Tập trung vào con đi đang cho con bú
– Đôi khi bé cắn ti mẹ để thu hút sự chú ý của mẹ. Khi bé lớn hơn, nhiều mẹ có xu hướng xem điện thoại, đọc sách hoặc xem tivi trong khi cho con bú thay vì tập trung vào con. Cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt, nói chuyện với con và chạm vào bé khi cho con đang bú. Bằng cách này, bé sẽ biết bé luôn có sự chú ý của mẹ và giảm đi việc cắn.
Nhận biết dấu hiệu con đã bú no
– Mẹ sẽ nhận ra dấu hiệu bé no nếu mẹ chú ý bé hơn. Theo dõi kỹ các dấu hiệu cho thấy con đã bú xong. Một số bé sẽ bắt đầu cựa quậy liên tục, kéo vú ra và nhìn xung quanh, hoặc căng hàm ra trước khi ngậm chặt lại. Bé cắn nhiều khi bé đã no không còn hứng thú với việc bú, về cuối cữ bú. Khi biết bé đã no, mẹ có thể cho bé ra trước khi bé cắn.
Khớp ngậm đúng giúp con không cắn khi bú
– Kiểm tra khớp ngậm đúng: Đảm bảo miệng bé mở to và kéo bé vào gần để núm vú nằm sâu trong miệng bé. Đôi khi sau khi bú được một lúc, bé buồn ngủ và núm vú bị kéo trở lại trong miệng, và lúc đó bé có thể cắn theo phản xạ khi cảm thấy núm vú bị tuột ra.
Đừng cố ép con bú
Có nhiều khi mẹ vì muốn con ngủ khi đến giờ con ngủ, con khó chịu do tiêm vaccine… và muốn ép bé bú. Có mẹ đã từng kể mình, mỗi lần “ép” con bú là bé cắn thật đau, sau đó bé lại cười toe toét. Từ khi mẹ không ép thì con cũng chẳng bao giờ cắn ti mẹ nữa.
Giúp con tập trung hơn khi bú mẹ
– Giảm sự phân tâm lúc bé bú bằng cách làm mờ đèn, tắt tivi, để nhạc nhẹ nhàng hoặc ở trong phòng yên tĩnh. Việc giúp bé tập trung bú cũng làm giảm việc bé cắn.
Bị Nghẹt Mũi Có Thể Làm Bé Cắn Mẹ Khi Bú
– Đôi khi bé sẽ nghiến chặt núm vú nếu mũi của bé bị nghẹt và khó thở. Nếu không có đường thở thông thoáng, bé có thể không bú hiệu quả và núm vú có thể tụt về phía trước trong miệng làm bé dễ cắn.
Kiểm tra tình trạng sữa mẹ
– Đôi khi bé bực mình và cắn mẹ khi sữa mẹ ít không đúng theo thói quen bé thường bú. Chẳng hạn trường hợp nếu mẹ bị tắc tia, sữa chảy chậm lại.
3) Các Bước Mẹ Cần Phải Làm Khi Bé Cắn Ti Mẹ Trong Khi Bú
Bước 1) Kéo Mặt Bé Vào Ngực Mẹ
– Khi bé cắn, nhiều mẹ theo bản năng giật con ra khỏi ti mẹ, việc này càng làm mẹ thêm đau. Thay vào đó, hãy nhanh chóng kéo mặt bé vào vú để mũi bé bị ép vào ngực mẹ. Điều này sẽ khiến bé phải há miệng để lấy hơi. Bé sẽ tự nhả mà bạn không cần phải kéo núm vú của mình ra. Hoặc có cách khác mẹ đưa ngón tay út vào khóe miệng bé và kéo xuống để bé tự nhả ti.
Bước 2) Tâm Tình Cùng Con, Đừng Cắn Ti Mẹ Nữa
– Sau đấy, hãy nhìn vào mắt con với vẻ mặt đau khổ và nói: “Con ơi, mẹ đau quá.” Kèm theo việc này, mẹ chạm vào răng/nướu của bé để bé hiểu ý bạn hơn. Bé có thể khó chịu không thích nhưng bé sẽ học dần việc không được cắn khi bú. Chờ vài giây, mẹ vỗ về và cho con bú tiếp, thời gian cho con dừng để chờ bú lại sẽ tùy thuộc vào từng bé. Mẹ kiên trì làm điều này liên tục mỗi khi bé cắn, dần dần con sẽ hiểu được.
4) Một Số Lưu Ý Nếu Bé Cắn Mẹ Khi Bú
Bình tĩnh xử lý khi bé cắn ti mẹ
– Khi bé cắn mẹ, phản ứng tự nhiên của mẹ là kêu lên thật to và kéo con ra khỏi vú. Điều này thường sẽ khiến bé giật mình, và bé sẽ nhả núm vú ra và phản ứng với vẻ ngạc nhiên. Thường thì lúc này cảm xúc của bé sẽ bị tổn thương và bé sẽ bắt đầu khóc. Một số trẻ sơ sinh rất nhạy cảm sẽ khó chịu trước phản ứng của mẹ đến mức bé sẽ tạm thời không chịu bú mẹ hoàn toàn. (Mẹ nào đang gặp tình huống con không chịu bú mẹ do một việc gì đó thay đổi làm bé không chịu bú mẹ nữa. Nếu cần thêm thông tin, mình sẽ viết bài riêng về vấn đề tập bé bú trở lại)
– Dừng cho bú ngay lập tức khi con cắn. Như mình nói dù bé lớn hay nhỏ đều có thể học được con muốn bú thì không được cắn. Nếu mẹ biết con đang mọc răng thì mẹ cho con các đồ chơi mọc răng, khăn sạch để lạnh để con gặm. Nếu con ăn dặm rồi, mẹ có thể cho con chuối đông lạnh, sữa mẹ đông lạnh…
Lưu ý khi dùng dược phẩm làm tê nướu để phòng con cắn khi bú
– Có một loại dược phẩm Orajel bôi vào làm tê nướu. Tuy nhiên các bác sĩ khuyên không nên dùng vì nó có chứa benzocaine. Chất này có thể gây ra hiện tượng tăng methemoglobin huyết, gây ra các hiện tượng da chuyển xanh, choáng váng, tim đập nhanh, khó thở có thể lúc bôi hay vài giờ sau đó. Vì những lý do này loại thuốc bôi này không được FDA Hoa Kỳ khuyên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Và hơn nữa theo mình nghĩ, việc bôi thuốc này cũng không giúp ích được gì nhiều vì thuốc chỉ làm tê nướu thời gian ngắn.
– Nếu bé có xu hướng cắn khi bắt đầu bú, hãy cho bé ngậm đồ chơi mọc răng trước khi bú. Ngay cả những em bé còn rất nhỏ cũng sẽ dần hiểu rằng cái nào là được cắn và ti mẹ không nằm trong danh sách được cắn.
Bé cắn ti mẹ, mẹ đừng la con
– Mẹ luôn nhớ rằng bé không muốn làm tổn thương mẹ. Đừng bao giờ la hét hoặc tỏ ra tức giận, hoặc không cho bé bú bằng cách đặt bé xuống một mình; bé sẽ sợ và khi sợ bé sẽ không học được gì! Hoặc có bé lại nghĩ đây là một trò chơi khi nhận được phản ứng lớn từ mẹ.
– Nhiều bé lớn do bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, đầu di chuyển để nhìn các vật vô tình cắn ti mẹ. Nên khi bé bắt đầu quay đầu qua lại, mẹ cho dừng ti bằng cách đưa tay trỏ vào miệng để bé phải dừng ti.
– Có bé quyết định tự cai ti mẹ. Mình đã từng tiếp xúc với một vài bé lớn hơn 1 tuổi, đột nhiên cứ cắn (mặc định) mỗi khi mẹ cho ti. Mặc dù mẹ thử mọi cách nhưng bé vẫn cắn, mẹ có thể thử hút sữa để xem có phải vấn đề là bé muốn tự cai sữa mẹ không.
Các mẹ đã làm cách gì để ngăn ngừa việc bé cắn mẹ khi bú? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Đọc thêm bài viết:
Phòng Tắc Tia Sữa Tái Đi Tái Lại