Không nên ăn gì khi cho con bú. Việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với một số trường hợp vốn dĩ đã không hề đơn giản. Vậy mà bao nhiêu thông tin kiêng cữ về đủ mọi việc. Mẹ không được tắm, không được ra ngoài trước cữ, không được ăn thứ này, phải ăn thứ kia… Thật sự những thông tin này thường được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Và quan trong hơn chúng chưa được dựa trên cơ sở khoa học.
Tất nhiên ở đây mình không nói nó hoàn toàn sai. Mà đó chỉ là đúc kết từ 1 vài người và rồi truyền miệng nhau. Kết hợp với quan niệm “có kiêng có lành”, rất nhiều thực phẩm bị liệt vào danh sách cấm. Nhưng nó lại thật sự không cần thiết.
Bài viết dưới đây giúp các mẹ có cái nhìn khoa học hơn để các mẹ yên tâm hơn về việc không nên ăn gì khi cho con bú nhé.
NỘI DUNG CHÍNH
1) Thực phẩm có đường
Các mẹ cho con bú thường tránh những đồ ăn ngọt, mặn. Tất nhiên việc chúng ta không nên ăn mặn và ngọt để khỏe mạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên nếu bạn nghĩ việc mình ăn nhiều đường sẽ có thể làm con bú mẹ có nguy cơ béo phì là sai. Trên thực tế, sữa mẹ không thay đổi nhiều so với những gì bạn ăn. Thành phần sữa mẹ thay đổi từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác. Sữa mẹ thay đổi từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 6, và sau đó nữa. Nhưng đó không phải là do thức ăn mẹ ăn.
Nếu mẹ ăn nhiều đường, sữa của mẹ vẫn sẽ có lượng đường như khi mẹ không ăn đường. Tất nhiên điều này không có nghĩa là mẹ nên uống các loại nước soda, nước ngọt… Vì những loại nước này cho mẹ năng lượng nhưng lại không có giá trị gì về mặt dinh dưỡng.
Xem thêm: Sữa mẹ làm được những món gì?
2) Không nên ăn gì khi cho con bú: Sữa?
Hiếm khi mẹ uống sữa bò sẽ có ảnh hưởng đến bé. Dĩ nhiên trừ khi bé bị dị ứng về thành phần đạm sữa bò hay dị ứng lactose. Nếu thực sự mẹ đang có một bé có trường hợp dị ứng với đạm sữa bò hay với lactose sẽ có những triệu chứng về sức khỏe (quấy khóc, da dị ứng, tiêu chảy liên tục, đầy hơi…) Nhưng đó cũng là trường hợp hy hữu, nên các mẹ đừng nên loại bỏ ngay các thức ăn liên quan đến sữa. Nếu chưa chắc chắn cho bé đi khám và xét nghiệm để tìm ra vấn đề mẹ nhé. Và ngay cả trường hợp bé bị dị ứng, mẹ cũng nên cắt giảm một thời gian. Và rồi mẹ cũng sẽ thử lại dần 1 lượng nhỏ vì dị ứng ở bé sẽ thay đổi theo thời gian.
3) Gia vị cay
Nhiều mẹ cho rằng khi mẹ ăn một vài hạt tiêu hay một loại gia vị nào đó và làm bé khóc hàng giờ. Thực sự có thể đây chỉ là sự tưởng tượng của mẹ. Chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Vì không có hạt tiêu hay bất kỳ các loại gia vị nào có thể thấm vào sữa với số lượng lớn đủ khiến trẻ khó chịu.
4) Trái cây chua
Một số thức ăn chua được xem gây khó chịu cho đường ruột bé. Hãy tưởng tượng nếu thật sự sữa mẹ chua đến mức đó có lẽ bầu vú và núm vú của mẹ cũng bị kích ứng rồi.
5) Không nên ăn gì khi cho con bú: Caffeine?
Nhiều mẹ cho bé bú thì phải loại bỏ hoàn toàn những chất có cafein ra khỏi thực phẩm. Mình không nói đến trường hợp các bé cực kỳ nhạy cảm với thực phẩm mẹ ăn. Chẳng hạn mẹ uống cà phê buổi tối có thể làm bé khó ngủ. Tuy nhiên theo thực nghiệm, mẹ vẫn có thể uống 1-2 tách cà phê /ngày. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến bé. Vì vậy, đối với mẹ « nghiện » cà phê thì thật sự không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn cà phê trong danh sách thực phẩm trong ngày của mẹ.
6) Thực phẩm chế biến sẵn?
Tất nhiên khi chúng ta ăn đồ đông lạnh, đồ ăn nhanh thì không tốt chút nào. Không chỉ mẹ bầu, mẹ cho con bú mà cho cả mọi người. Điều mẹ lưu ý ở đây là những chất bảo quản sẽ không đi vào sữa với lượng đáng kể nào cả.
7) Không nên ăn gì khi cho con bú: Tỏi?
Rất nhiều nền văn hóa luôn ăn tỏi trong các món ăn. Và hầu như không có bé bú sữa mẹ nào khó chịu với tỏi. Tỏi có thể thay đổi mùi sữa nếu mẹ ăn lượng lớn có thể làm bé không chịu bú. Nhưng đó chỉ là tạm thời khi mẹ ăn với số lượng nhiều. Tỏi phần lớn không gây hại cho ai.
8) Rau bạc hà, thì là, mùi tây, hoặc hoa cúc?
Không có bằng chứng cho thấy người nào ăn quá liều những loại này cần điều trị. Tuy nhiên vẫn có thông tin cho rằng nếu mẹ cho con bú ăn số lượng lớn các loại rau này sẽ giảm lượng sữa mẹ.
9) Trứng, Đậu phộng, các loại hạt
Nếu mẹ không bị dị ứng và mẹ kiêng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng để giúp bé không bị dị ứng sau này thì là điều hoàn toàn sai. Tất nhiên việc cắt giảm các thực phẩm có thể cải thiện tình huống bị eczema ở bé.
Xem thêm: Cách kích sữa Power Pump – Phương pháp đặc biệt dành riêng cho mẹ ít sữa
10) Những thực phẩm dễ làm đầy hơi?
Thường các thực phẩm như đậu, cải bó xôi, bắp cải,… làm đầy hơi, ợ hơi và xì hơi cũng bình thường. Nhưng nếu trẻ bị đầy hơi kèm theo quấy khóc khó chịu khi mẹ ăn những thực phẩm này, mẹ có thể tránh trong vài tuần và thử lại ít một xem chúng có gây khó chịu cho con không.
11) Không nên ăn gì khi cho con bú: Chất có Cồn?
Khi cho con bú, tốt nhất là mẹ không nên uống chất có cồn. Tuy nhiên, nếu mẹ lỡ uống, thì mẹ chỉ cần nhớ là nên chờ lượng cồn được đào thải ra khỏi cơ thể trước khi cho con bú. Khi mẹ uống một ly bia 355ml hay một ly rượu 148ml, mẹ nên chờ tầm 3 tiếng trước khi cho con bú lại. Một quan niệm sai mà mẹ thường mắc phải đó là mẹ nghĩ phải hút sữa bỏ đi để loại bỏ chất cồn trong sữa. Điều này hoàn toàn sai mẹ nhé. Cồn là chất đặc biệt có thể di chuyển từ sữa và máu cũng như ngược lại. khi lượng cồn trong máu giảm khi mẹ ngừng uống thì cồn sẽ từ sữa sẽ di chuyển vào máu để cân bằng nồng độ hai bên.
Vì vậy việc nhiều mẹ hút sữa ra để bỏ chất cồn trong sữa là điều làm không cần thiết. Vì khi lượng cồn trong sữa giảm, cồn lại di chuyển từ máu vào sữa mẹ. Hơn nữa các mẹ đừng quá lo lắng, nếu mẹ lỡ uống một ít, thì lượng cồn trong sữa cũng sẽ rất nhỏ. Nó sẽ khó ảnh hưởng gì đến bé và hay biến bé thành người « nghiện chất cồn » mẹ nhé.
Xem thêm: Cương sữa sinh lý sau sinh: nhứng điều mẹ bầu cần biết
Kết luận
Thực sự những thông tin kiêng cữ quá nhiều làm nhiều mẹ cho bú càng cảm thấy áp lực, căng thẳng và phần lớn điều này hoàn toàn không cần thiết. Các mẹ đang cho con bú nên thư giãn hơn về chế độ ăn của mình. Các mẹ có quyền và nên được tiếp tục thưởng thức những gì mẹ thích ăn. Dĩ nhiên trừ những trường hợp rất, rất nhỏ có thể ảnh hưởng đến bé khi bé thuộc vào nhóm cực kỳ nhạy cảm.
——————
Kết nối với người viết: Lena Nguyen – Tư vấn sữa mẹ quốc tế