Luyện Bé Ngủ Xuyên Đêm: Có Nên Hay Không?

Ở đâu cũng vậy, sẽ dễ dàng bắt gặp những gia đình có con mọn mệt mỏi thiếu ngủ…Và trên mạng thì bao nhiêu câu hỏi muốn tìm kiếm thông tin liệu con mình phát triển vậy có bình thường không. Và ba mẹ “nên” làm gì đối với những bé thức giấc liên tục trong đêm. Có nên luyện cho bé ngủ xuyên đêm sớm không?

Rồi sách vở, các chuyên gia tập con tự ngủ, các phương thức tập ngủ cho con chẳng hạn Ferber “Kiểm tra và dỗ con”, CIO “Cho con khóc”, “Tập con ngủ không khóc” (bồng, đặt con xuống, suỵt…) … Các “công cụ” giúp bé ngủ ngon như chũn quấn bé, máy tiếng động trắng… ra đời hỗ trợ ba mẹ đang thiếu ngủ trầm trọng với hy vọng họ sẽ “cải thiện” giấc ngủ đêm cho con.

Trước khi ba mẹ quyết định luyện bé ngủ xuyên đêm, hãy tự hỏi mình đã thực sự hiểu gì về việc thức giấc liên tục trong đêm của bé bú sữa mẹ. Và vì sao bé lại thức dậy để đòi bú nhiều như vậy? Điều ba mẹ được nghe nhiều nhất sẽ là nguyên nhân sữa mẹ tiêu hóa nhanh làm bé đói.

Bé dậy bú đêm, góc nhìn từ khía canh khoa học

luyen-be-ngu-xuyen-dem-4
Có nên luyện bé ngủ xuyên đêm sớm?

Tuy nhiên trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến những khía cạnh khoa học khác về việc bé dậy bú đêm để:

– những mẹ kiệt sức vì con dậy liên tục trong đêm đòi bú

– những mẹ bị áp lực bởi nghe quá nhiều lời khuyên từ bác sĩ, từ người thân, từ bạn bè. Hay từ các mẹ bỉm sữa khác về việc làm thế nào để tập con ngủ xuyên đêm…,

– những mẹ rối bời bởi không biết nên bắt đầu tập bé từ độ tuổi nhất định nào. Và mẹ lo sợ liệu con mình có phát triển theo chuẩn hay không…

có cái nhìn “dậy bú đêm” dưới các góc độ khác. Để mẹ có thể quyết định có nên luyện bé ngủ xuyên đêm sớm không? 

1) Bởi trẻ sơ sinh chưa sẵn sàng ngủ xuyên đêm

Thức dậy thường xuyên, muốn bú, hay nhiều khi muốn tìm sự an tâm để ngủ tiếp. Có thể nói đây còn là một trong các cách giữ an toàn cho trẻ sơ sinh. Có bao giờ mẹ đã từng thắc mắc vì sao tỷ lệ nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ (SIDS) gần như không được đề cập đến ở những nước mà việc con ngủ chung với mẹ là hết sức bình thường?

Xem thêm: Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)

2) Bởi bé muốn được gần người chăm sóc mình

Bé nào sinh ra nhìn cũng thật dễ thương. Bé luôn thu hút được mọi người xung quanh luôn khiến ba mẹ luôn muốn ôm và gần gũi. Khi ta không làm vậy, bé sẽ khóc, khóc để thu hút sự chú ý của ba mẹ. Điều này hình thành nên sự kết nối đặc biệt giữa bé và người chăm sóc mình.

3) Bởi giấc ngủ gồm “hai pha”

Con người chúng ta trải qua “giấc ngủ đầu tiên” (từ hoàng hôn cho đến nửa đêm). Và “giấc ngủ thứ hai” (từ 1 hoặc 2 giờ sáng cho đến bình minh). Với việc phát minh ra điện, mô hình tự nhiên này đã thay đổi, cho phép chúng ta thức khuya hơn. Nghĩa là người lớn bắt đầu hợp nhất giấc ngủ thành một giấc dài 8 giờ. Dần dần con sẽ bắt kịp với thói quen ngủ của thế kỷ 21, nhưng hãy cho con thời gian làm quen. Trong khi chờ đến lúc đó, mẹ hãy thử tắt đèn sớm và vào giường cùng nằm với con.

4) Bởi 1 trong những bản năng ở trẻ là duy trì tồn nguồn sữa mẹ

luyen-be-ngu-xuyen-dem-3
Luyện bé ngủ xuyên đêm, tuỳ thuộc vào mỗi gia đình

Khi mới sinh, dạ dày của trẻ nhỏ, chỉ chứa được 5-7ml sữa khi cơ thể mẹ sản xuất sữa theo cơ chế hormone. Khi nguồn cung cấp của mẹ tăng lên nhờ cơ chế cung cầu. Điều cần nhớ là cơ chế này dựa trên 24 tiếng chứ không chỉ tính trong giờ thức của mẹ. Đồng thời dạ dày của em bé cũng phát triển lớn dần. Kết hợp với thực tế là sữa mẹ ít chất béo và do đó được tiêu hóa nhanh chóng, trẻ sơ sinh thường xuyên đói là điều bình thường.

Khuyến khích trẻ bú khi đói sẽ bảo vệ nguồn sữa mẹ và giảm nguy cơ căng sữa và viêm vú. Ngược lại, việc bỏ qua cơn đói của trẻ, dù là ngày hay đêm, sẽ làm rối loạn sự phát triển bình thường của nguồn sữa mẹ và có thể ảnh hưởng đến vú.

Đặc biệt đối với mẹ đi làm, việc cho con bú đêm nhiều lần sẽ bù vào việc thiếu bú ban ngày. Và nó sẽ giúp mẹ “đạt được” số lần đủ cho việc “làm trống bầu ngực” trong vòng 24 tiếng.

5) Bởi sữa mẹ ban đêm là duy nhất

Cho con bú vào ban đêm mang lại rất nhiều lợi ích đặc biệt. Sinh ra với nhịp sinh học chưa ổn định, trẻ sơ sinh cũng không tự sản sinh melatonin trong những thời gian đầu đời. Melatonin là một loại hormone gây buồn ngủ. Melatonin có tác dụng thôi miên cũng như làm giãn cơ trơn của đường tiêu hóa. Và Sữa mẹ ban đêm có lượng đáng kể melatonin. Điều này giúp trẻ sơ sinh phát triển chu kỳ sinh học của riêng mình, cải thiện giấc ngủ và đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ “chướng khóc không lý do” ở trẻ.

Và một điều đặc biệt, có lẽ nhiều mẹ đã biết, ở phụ nữ đang cho con bú, việc sản xuất hormone prolactin tạo sữa tuân theo một nhịp sinh học? Mức độ prolactin của mẹ cho con bú tăng hơn đáng kể vào ban đêm, đặc biệt là vào những giờ sáng sớm. Trẻ sơ sinh thường muốn bú vào ban đêm vì đơn giản là ban đêm nhiều sữa hơn! Không phải bé rất thông minh đó sao?

Xem thêm: Vì sao nên cho con bú sữa mẹ?

6) Bởi thức dậy bú đêm thúc đẩy chức năng và sự phát triển não bộ của bé

luyen-be-ngu-xuyen-dem-5
Bé bú sữa mẹ đêm, giàu chất cải thiện giấc ngủ và tăng cường trí nữa

Ngoài melatonin, sữa mẹ ban đêm còn giàu chất cải thiện giấc ngủ và tăng cường trí não khác.

Sau đây là một đoạn trích từ các nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Darcia Narvaez. Ông là giáo sư Khoa Tâm lý, Chuyên nghiên cứu sự phát triển của trẻ nhỏ tại Đại học Notre Dame (nằm trong top Đại học tại Mỹ):

“Ba mẹ nên biết rằng sữa mẹ vào buổi tối chứa nhiều tryptophan (một loại axit amin gây buồn ngủ). Tryptophan là tiền thân của serotonin, một loại hormone quan trọng cho chức năng và sự phát triển của não. Trong giai đoạn đầu đời, hấp thụ tryptophan dẫn đến phát triển nhiều serotonin hơn. Sữa mẹ ban đêm cũng có các axit amin thúc đẩy quá trình tổng hợp serotonin. Serotonin làm cho não hoạt động tốt hơn, giữ tâm trạng vui vẻ và hỗ trợ chu kỳ ngủ-thức. Vì vậy, có thể đó là lý do đặc biệt quan trọng cho trẻ bú đêm sữa mẹ”

7) Bởi ngay cả người lớn cũng không ngủ xuyên đêm

Suy nghĩ chúng ta ngủ say trong tám giờ hàng đêm là sai. Mỗi đêm, chúng ta trải qua nhiều mức độ ngủ sâu và giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Giấc ngủ di chuyển qua chu kỳ ngủ REM (chuyển động nhanh của mắt) và chu kỳ ngủ non-REM. Non-REM bao gồm bốn giai đoạn riêng biệt khác nhau từ buồn ngủ, ngủ nhẹ, sâu và rất sâu. Khi chuyển từ chu kỳ ngủ này sang chu kỳ ngủ tiếp theo, chúng ta sẽ bị thức dậy.

Nếu không thoải mái, lúc đó ta có thể vào phòng tắm, uống một cốc nước hoặc đơn giản là lăn qua, ôm gối hay “người ngủ cùng giường” để ngủ tiếp. Chu kỳ ngủ của người lớn kéo dài trung bình 90 phút. Chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh ngắn hơn nhiều, trung bình là 45-60 phút. Điều này có nghĩa là trẻ sơ sinh sẽ trải qua giai đoạn thức dậy vào ban đêm tầm 10 lần nhiều gấp đôi so với ba mẹ.

Đọc thêm: Giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Lịch giấc ngủ chi tiết của trẻ 0 – 12 tháng tuổi

8) Vì bóng tối luôn là điều đáng sợ

Bóng tối đối với trẻ khi đã biết dần nhận thức ngày và đêm luôn làm cho bé lo lắng/sợ… Chưa kể đến những đêm đặc biệt có sấm chớp hay mưa gió, tiếng động lạ giữa đêm khuya… những lúc này khi mẹ ở cạnh con sẽ giúp con yên tâm yên giấc hơn.

Sau khi đọc bài này, khi mẹ nào nghe con khóc vào 2 giờ sáng. Đừng quên rằng bé đang “giúp” mẹ bằng việc giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh ở mẹ. Bé đang xây dựng và phát triển não bộ cho bé, có thể giảm nguy cơ rối loạn tâm trạng lâu dài ở bé, phát triển chu kỳ sinh học của riêng của bé. Bé uống nhiều sữa hơn, đảm bảo nguồn sữa mẹ lâu dài cho mẹ. Và bé bú đêm tạo cơ hội cho mẹ hút sữa ít lại hơn khi đi làm.

Luyện bé ngủ xuyên đêm? Nên và không nên?

Luyện con ngủ xuyên đêm không có đúng sai

Thêm một điều mình muốn chia sẻ khi đọc bài này. Các mẹ đừng nghĩ mình là người cực đoan chống đối việc “con ngủ xuyên đêm” nhé! Cả nhà mình đã từng rất stress việc tập bé đầu tự ngủ với mong muốn bé ngủ xuyên đêm… đến bé thứ 2, việc thay đổi trong suy nghĩ làm mọi việc đơn giản hơn rất nhiều.

Sẽ thật tuyệt vời nếu tất cả trẻ sơ sinh đều có thể ngủ một giấc dài từ khi còn nhỏ, vẫn có những trường hợp một số ít bé ngủ xuyên đêm từ 1 tháng tuổi. Tuy nhiên chúng ta đừng nên đặt ra đó là tiêu chí cho sự phát triển ở một cột mốc nhất định của con. Hãy chấp nhận việc ngủ dậy đêm rất bình thường của trẻ sơ sinh. Và sẵn sàng với thực tế thiếu ngủ khi có con mọn sẽ làm việc làm ba mẹ đơn giản hơn.

Và luôn nhớ mỗi bé, mỗi mẹ, mỗi gia đình, mỗi nền văn hóa luôn khác nhau. Ba mẹ hãy trang bị đầy đủ kiến thức và quyết định cách phù hợp nhất cho gia đình mình!

———–

Kết nối với người viết: Lena NguyễnTư vấn sữa mẹ