Giấc ngủ trẻ sơ sinh được hình thành bởi sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Trong hai nghiên cứu về trẻ 6 tháng tuổi (Dionne 2015; Touchette 2013), gần một nửa thời gian ngủ đêm của bé có thể được giải thích bởi các yếu tố di truyền. Trong khi giấc ngủ trưa của bé lại được giải thích hoàn toàn bởi các yếu tố môi trường. Chẳng hạn như việc ba mẹ có khuyến khích hay không việc ngủ trưa. Ở Mỹ, bé sau 2 tuổi hầu như phần lớn đã bắt đầu bỏ giấc ngủ ngày. Trong khi các bé gia đình Đông Nam Á vẫn có thể có giấc ngủ trưa cho đến khi lớn.
NỘI DUNG CHÍNH
Gen ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ của trẻ?
Một cách ba mẹ có thể tham khảo là tính cách của bé. Nếu bé có xu hướng kém thích nghi và dễ cáu kỉnh, khó dỗ thì các nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định rằng những bé như vậy sẽ ngủ ít hơn so với các bé khác (Weissbluth và Liu 1983; Van Tassel 1985; Scher 1992; Sadeh 1994; Scher 1998).
Cũng có khả năng một số trẻ không ngủ nhiều như những trẻ khác. Và các khía cạnh cụ thể của giấc ngủ – như mức độ dễ dàng bị đánh thức của bé – được định hình bởi gen.
Nhưng rõ ràng là ba mẹ vẫn có thể ảnh hưởng đến cách ngủ của bé. Đó là bằng cách tác động đến sự phát triển của nhịp sinh học. Và ba mẹ giúp bé học cách tự ngủ lại sau khi thức dậy vào ban đêm.
Giấc ngủ của trẻ phụ thuộc vào địa lý, văn hoá
Một điều rất đặc biệt, có vẻ như mô hình giấc ngủ của bé khác nhau ở các nước. Chẳng hạn, các nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ ở Nhật Bản và Ý có xu hướng ngủ ít hơn so với các trẻ ở Thụy Sĩ và Canada (Kohyama 2011; Bruni 2014; Iglostein 2003; Mindell 2010). Việt Nam chưa có thống kê giấc ngủ để so sánh. Nhưng mình nghĩ số giờ ngủ của các bé nhỏ Việt Nam sẽ thuộc loại cao hơn mức trung bình.
Ba mẹ chú ý khi con trải qua các cột mốc vận động – như học bò, học đứng và tập đi – những thời điểm này có xu hướng phá vỡ mô hình giấc ngủ của bé (Atun-Einy Scher 2016; Scher và Cohen 2015). Nếu bé của bạn đang thành thạo một kỹ năng mới, bạn có thể quan sát thấy những thay đổi tạm thời ở bé, bé ít ngủ hơn chẳng hạn.
Tìm hiểu sâu hơn: Điều gì làm cho hình thức ngủ của trẻ khác với người lớn? Và làm thế nào ba mẹ có thể giúp trẻ phát triển thói quen ngủ trưởng thành hơn?
Dưới đây là một cái nhìn chi tiết hơn về mô hình giấc ngủ của bé. Tập trung vào nhịp sinh học, các giai đoạn của giấc ngủ, chu kỳ giấc ngủ, thức dậy ban đêm và thời lượng ngủ. Tìm hiểu việc này giúp ba mẹ tránh những sai lầm và hỗ trợ sự phát triển của nhịp ngủ trưởng thành hơn.
Nhịp sinh học ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Mất bao lâu để trẻ nhỏ hòa hợp với giờ giấc tự nhiên 24 tiếng/ngày?
Trẻ sơ sinh nổi tiếng với việc ngủ và thức không theo giờ giấc. Một phần là do nhịp sinh học của bé – chu kỳ 24 giờ lặp lại của hoạt động sinh lý – không đồng bộ với nhịp tự nhiên của ánh sáng ban ngày và bóng tối.
Trẻ sơ sinh có thể mất 3-4 tháng để phát triển nhịp sinh học trưởng thành. Nhưng theo nghiên cứu xác nhận rằng, bé sẽ đồng bộ hóa sớm hơn nếu ba mẹ tạo điều kiện môi trường phù hợp.
Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến giấc ngủ trẻ sơ sinh?
Ánh sáng có tác động lớn nhất đến “đồng hồ bên trong” của bé. Vì vậy hãy sử dụng ánh sáng một cách thông minh. Vào ban ngày, hãy cho bé tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Khi buổi tối đến gần, hãy làm mờ ánh đèn. Và tránh để bé tiếp xúc với ánh sáng xanh (ánh sáng từ các thiết bị điện tử) vào ban đêm, đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ ngủ kéo dài hơn vào ban đêm khi ba mẹ “tắt đèn” sau 9 giờ tối (Iwata 2017).
Hãy cho bé cùng tham gia các hoạt động hàng ngày của bạn. Và tránh việc cho bé bú đêm là cách dỗ bé khi bé thức. Việc này giúp hỗ trợ hình thành việc bé tự dỗ để ngủ. Việc bú đêm là bình thường khi bé đói. Nhưng khi bé thức giấc ban đêm, mẹ đừng nên cho bé bú ngay. Mẹ hãy thử dỗ bé nhẹ nhàng, tránh giao tiếp bằng mắt hay nói chuyện với con. Mẹ cũng hạn chế bật đèn để dỗ bé ngủ lại trước khi cho bé bú nếu bé thật sự đói.
Các giai đoạn của giấc ngủ và chu kỳ trẻ sơ sinh ngủ
Các kiểu ngủ của trẻ sơ sinh diễn ra như thế nào trong đêm? Và khi nào bé dễ thức giấc nhất?
Đối với người lớn chúng ta, giấc ngủ không phải là một trạng thái bất tỉnh hay hôn mê. Chúng ta trải qua các giai đoạn của giấc ngủ. Bắt đầu bằng giấc ngủ nhẹ, tiến dần đến giấc ngủ sâu. Và kết thúc bằng giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt, hoặc REM – giai đoạn ngủ liên quan đến hoạt động não đang ghi nhớ, mơ và tương tác cơ mắt. Chúng ta không di chuyển trong giai đoạn ngủ REM trừ khi mắc một số chứng rối loạn giấc ngủ.
Toàn bộ trình tự mất khoảng 90-100 phút, sau đó chúng ta lại bị đánh thức hoặc lặp lại chu kỳ này. Nghiên cứu thực nghiệm về giấc ngủ cho thấy chúng ta dễ bị thức giấc trong hoặc ngay sau giai đoạn REM (Akerstedt 2002). Nói như vậy không có nghĩa là trong mỗi chu kỳ ngủ, chúng ta không trải qua nhiều lần kích thích – những lần thức giấc ngắn, ngủ lơ mơ. Đây là một phần bình thường của giấc ngủ, những “lần thức giấc” hay trạng thái lơ mơ thoáng qua giúp não theo dõi có “nguy hiểm” gì không. Nếu không có gì để thu hút sự quan tâm hoặc lo lắng thì quá trình kích thích sẽ bị hủy bỏ và bộ não trở lại trạng thái ngủ.
Đối với trẻ, mọi thứ cũng như vậy. Trẻ sẽ trải qua các giai đoạn ngủ riêng biệt, bao gồm cả giấc ngủ REM, được gọi là “ngủ tỉnh” với chuyển động mí mắt. Bé cũng trải qua nhiều cơn kích thích ngắn trong đêm, những khoảnh khắc tỉnh ngủ mà bạn có thể không nhận thấy. Những kích thích này phổ biến ở trẻ thường được xem như giấc ngủ nông REM (Grigg-Damberger 2007; Montemitro 2008).
Nhưng ĐIỂM KHÁC BIỆT ở chỗ: chu kỳ giấc ngủ của trẻ ngắn hơn – trung bình dài khoảng 50-60 phút. Và đối với trẻ nhỏ – nhất những trẻ dưới 3 tháng tuổi – chu kỳ ngủ thường theo mô hình này:
– Ngủ nông (REM)
– Giấc ngủ chuyển tiếp
– Ngủ sâu
Trẻ nhỏ bắt đầu giai đoạn ngủ trong giai đoạn REM. Tiếp theo chuyển sang giai đoạn ngủ được gọi là ngủ chuyển tiếp. Và sau đó cuối cùng đến giai đoạn ngủ sâu (Parslow 2003).
Một điểm khác biệt nữa là trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian trong giai đoạn ngủ nông REM hơn người lớn chúng ta.
Người lớn trung bình chỉ dành 20% tổng thời gian ngủ trong giai đoạn REM. Trong khi tỷ lệ này đối với trẻ sơ sinh cao hơn 50% (Grigg-Damberger 2017). Thời gian dành cho REM giảm dần khi trẻ lớn hơn, nhưng sự thay đổi sẽ diễn ra từ từ. Đối với một số trẻ 9 tháng tuổi, REM vẫn chiếm 50% tổng số giờ ngủ của bé (Montemitro 2008).
Nhưng chính có lẽ vì vậy mà đối với người lần đầu làm ba mẹ sẽ nghĩ rằng con ít ngủ quá và không ngủ say. Trong giai đoạn REM và giấc chuyển tiếp, bé có thể rất dễ tỉnh ngủ.
Như đã nói, người lớn chúng ta không di chuyển trong giai đoạn REM. Thường chúng ta bị tê liệt khi ngủ. Nhưng đối với trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi – thì không như vậy. Các bé vẫn có sự chuyển động: rung lắc toàn thân, ngọ nguậy, vươn vai, đập tay chân. Bé cũng có thể cau mày hoặc mỉm cười (Grigg-Damberger 2017; Barbeau và Weiss 2017).
Vì vậy, trẻ sơ sinh trong giai đoạn REM có thể có biểu hiện tỉnh táo. Và trong quá trình chuyển tiếp giấc ngủ, bé còn phát ra âm thanh, và thậm chí đôi khi mở mắt (Barbeau và Weiss 2017).
Bé ngủ sâu là lúc ngoài tiếng thở dài thường xuyên. Hơi thở của bé trở nên chậm và đều đặn, và bé hầu như không cử động. Nhưng thời gian này chỉ khoảng 20 phút mỗi chu kỳ ngủ (Grigg-Damberger 2017).
Điều này có thể khiến cha mẹ kiệt sức mắc phải một sai lầm đáng tiếc. Ba mẹ đọc sai các tín hiệu của con mình. Và cuối cùng làm gián đoạn giấc ngủ của bé.
Bạn nghe thấy con thút thít. Bạn quan sát thấy con chuyển động. Bạn thậm chí có thể thấy rằng mắt con bạn đang mở. Vì vậy, bạn cúi xuống xoa người con hoặc bồng con lên, thậm chí có bạn còn hát trò chuyện với con…
Bạn phải nhớ rằng có thể bé không thức mà đơn giản chỉ là đang trong giấc ngủ REM hoặc giấc ngủ chuyển tiếp. Hoặc có khi bé bị đánh thức dậy khi đang trải qua một lần kích thích trong giấc ngủ, một khoảnh khắc tỉnh giấc lơ mơ thoáng qua sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái ngủ nếu bạn để con một mình. Vì vậy trước khi can thiệp quá nhanh chóng không cần thiết, làm bé thức giấc và làm bé cáu kỉnh vì bị đánh thức.
Nếu bạn mắc phải sai lầm này thường xuyên, bạn có thể đang dạy bé biến những lần kích thích ngắn thành những lần thức dậy hoàn toàn. Và bé sẽ quen với việc mong đợi nhiều sự tương tác với bạn.
Để tránh điều này, hãy kiên nhẫn và quan sát trước khi dỗ bé nhất là vào ban đêm.
Hãy làm quen với những điều kỳ quặc ở bé của bạn. Và những tín hiệu từ bạn – đặc biệt là âm thanh giọng nói – có thể có tác dụng đặc biệt đánh thức bé rất nhanh. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh “dễ dàng phản ứng với giọng nói của mẹ còn hơn phản ứng là với chuông báo động cháy” (Grigg-Damberger 2007)
Tại sao trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian cho giấc ngủ nông?
Khi ba mẹ quá mệt mỏi và có khi nghĩ con phải ngủ ngon và xuyên đêm để tốt cho sự phát triển của bé. Điều này KHÔNG ĐÚNG. Giấc ngủ REM quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ (Siegel 2005). Theo một giả thuyết, đây có thể là thời điểm để não kiểm tra hệ thống dây dây thần kinh – bao gồm các dây thần kinh chạy đến các cơ xương.
Ngoài ra, có khả năng giấc ngủ nông – và xu hướng dễ thức giấc – giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi tình trạng thiếu oxy. Khi một người lớn đang ngủ không nhận đủ oxy, thường sẽ có phản xạ thức dậy ngay lập tức. Trẻ sơ sinh có phản ứng chậm nên tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Vì vậy, có thể nói ngủ nông REM không những có hại mà còn rất quan trọng sống còn cho bé. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều này bằng thực nghiệm với các trẻ sơ sinh đang ngủ. Khi bé bị giảm nhẹ lượng oxy, trẻ sơ sinh sẽ nhanh chóng thức dậy – nếu đang trong giấc ngủ REM. Nhưng nếu đang ngủ sâu, bé sẽ phản ứng chậm hoặc khó thức dậy (Parslow 2003; Richardson 2007).
Do đó, giấc ngủ yên tĩnh kéo dài có thể nguy hiểm ít nhất là đối với trẻ sơ sinh. Nên 6 tháng đầu, ngủ nông sẽ giúp trẻ sơ sinh an toàn hơn. Trẻ bú sữa mẹ có xu hướng bị kích thích thường xuyên hơn trẻ bú sữa công thức. Có thể đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có tỷ lệ SIDS thấp hơn (Horne 2004; Franco 2000).
Khi nào trẻ sơ sinh ngủ xuyên đêm?
Nếu bạn đọc từ đầu đến cuối thì bạn sẽ hiểu không ai thực sự ngủ suốt đêm. Đối với cả trẻ sơ sinh và người lớn – đều phải trải qua nhiều cơn kích thích cục bộ suốt đêm. Và thỉnh thoảng thức giấc, có thể chỉ trong thời gian ngắn. Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi thức giấc trung bình 3-4 lần một đêm (Goodlin-Jones 2001).
Vì vậy, mong đợi em bé của bạn ngừng thức giấc vào ban đêm đó là điều phi thực tế. Thay vào đó, mục tiêu hợp lý hơn là tránh tương tác bé vào ban đêm ít nhất 5 giờ đồng hồ khi không thật sự cần thiết. Khi con bạn bị kích thích, bé có thể sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ mà không cần bạn hỗ trợ.
Vậy khi nào thì bé sẽ có thể nằm yên 5 tiếng để ngủ?
Tùy vào từng bé, có bé chỉ sau 2 tháng sau sinh. Nhưng hầu hết trẻ sơ sinh không đạt được điều đó cho đến 4-6 tháng, hoặc thậm chí còn muộn hơn rất nhiều.
Nếu con bạn không phải là một “người ngủ ngoan” thì bạn có thể làm gì để cải thiện giấc ngủ của bé không?
Bạn có thể giúp con bạn phát triển nhịp sinh học trưởng thành. Nếu con bạn không ngủ ngon vào ban đêm, hãy đảm bảo rằng bé đang nhận các dấu hiệu môi trường phù hợp: ánh sáng rực rỡ vào ban ngày, bóng tối trước khi đi ngủ và bầu không khí buồn tẻ, yên bình vào ban đêm. Điều này sẽ giúp con bạn buồn ngủ vào đúng thời điểm – và dành nhiều thời gian hơn để ngủ vào ban đêm. Tránh tương tác với bé trong đêm khi chưa thật sự cần thiết, để bé có thể tự ngủ lại.
Tóm lại các mẹo ba mẹ cần ghi nhớ về giấc ngủ của trẻ sơ sinh:
1. Hãy giao tiếp xúc nhẹ nhàng, hỗ trợ và tình cảm là chìa khóa để giúp bé luôn an tâm
Dù con bạn ở chung phòng hay ngủ phòng khác, bạn có thể luôn dỗ dành nhẹ nhàng và làm bé yên tâm trước khi đi ngủ. Khi cha mẹ thể hiện tình cảm và cảm xúc sẵn sàng trước khi đi ngủ, bé dễ ngủ hơn và ít gặp vấn đề về giấc ngủ hơn (Teti 2010; Jian và Teti 2015).2
2. Nếu bé dường như không buồn ngủ khi đi ngủ, đừng cố ép bé
Ép bé không làm bé buồn ngủ hơn. Việc này làm bé dễ kích động và việc này sẽ càng làm bé khó ngủ!
Vì vậy, thay vào đó, hãy thử kỹ thuật tạo “thói quen tích cực và lịch trình đi ngủ”. Đó là bằng các chuỗi hoạt động nhẹ nhàng thư giãn và lặp đi lặp lại. Đó là một phương pháp để thiết lập lại đồng hồ bên trong của bé và khắc phục tình trạng kháng cự trước khi đi ngủ. Ví dụ: chơi trò chơi, vệ sinh cơ thể, đọc sách, đi ngủ.
3. Nếu bé luôn khóc một cách vô cớ, hoặc luôn khó chịu không vui vẻ? Hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu ba mẹ không biết phải làm gì.
Không rõ việc khóc lóc quá mức, vô cớ của bé có làm gián đoạn giấc ngủ của bé hay không. Nhưng việc này chắc chắn khiến ba mẹ căng thẳng. Và khi ba mẹ căng thẳng, trẻ khó ngủ hơn. Ba mẹ thư giãn sẽ giúp con thoải mái hơn.
4. Hãy để ý những giấc ngủ ngắn
Giấc ngủ ngắn rất tốt cho trẻ sơ sinh. Nhưng giấc ngủ ngắn vào cuối buổi chiều có thể làm trì hoãn cơn buồn ngủ trong nhiều giờ. Vì thế nó ảnh hưởng đến giờ đi ngủ tối của bé. Và nó cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ sơ sinh ngủ ngày thức đêm.
Hãy cùng chia sẻ các mẹo ba mẹ đang dùng để giúp bé ngủ ngon. Cũng như chia sẻ những vấn đề liên quan đến giấc ngủ trẻ sơ sinh làm ba mẹ mệt mỏi!
Đọc thêm các bài viết về Giấc ngủ trẻ sơ sinh:
– Bài 1) Giấc Ngủ Của Trẻ Sơ Sinh – Lịch Giấc Ngủ Chi Tiết Của Trẻ 0 – 12 Tháng
————————
Kết nối với tác giả: Lena Nguyễn – Tư vấn sữa mẹ